Thư ký LHQ Antonio Guterres
Trước đó, trong cuộc họp báo hàng ngày của nhóm đặc trách chống Covid-19 hôm 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu chính quyền ngừng tài trợ cho WHO, nhằm phản đối cách tổ chức này đối phó với đại dịch Covid-19.
Theo ông chủ Nhà Trắng, việc đưa ra quyết định nói trên dựa trên cơ sở WHO dường như “không cung cấp thông tin dịch bệnh virus Corona một cách kịp thời, cũng như không để cộng đồng thế giới biết rõ sự thật”.
“Hiện không phải là lúc để cắt giảm nguồn lực (cung cấp) cho hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới hay bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác đang tiến hành cuộc chiến chống virus”, tuyên bố của ông Guterres nêu rõ.
Theo nhận định của Tổng Thư ký LHQ, cộng đồng quốc tế cần phối hợp hành động để ngăn chặn đại dịch và khắc phục “những hậu quả vô cùng nguy hại” của nó.
Trước đó nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần chỉ trích WHO về việc tổ chức này dường như “quá tập trung vào Trung Quốc”, mặc dù nhận được phần đóng góp khổng lồ từ Mỹ. Vì lẽ đó, Tổng thống Trump cho biết sẽ xem xét lại việc cung cấp tài chính cho WHO.
WHO bắt đầu cảnh báo về dịch ở Trung Quốc vào giữa tháng 1/2020 và tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào 30/1 vừa qua. Sau đó, WHO công bố là đại dịch toàn cầu vào 11/3, khi thế giới có khoảng 121.000 ca bệnh.
Virus corona chủng mới gây ra đại dịch Covid-19 được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Hiện đại dịch lây nhiễm cho khoảng 2 triệu người trên toàn thế giới, khiến ít nhất 125.678 người thiệt mạng, tính đến ngày 15/4.
Hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Mỹ sẽ sử dụng cơ chế nào để ngừng tài trợ cho WHO, khi khoản chi tiêu này chủ yếu được phân bổ bởi Quốc hội Mỹ. Theo đó, Tổng thống không có thẩm quyền đơn phương tái phân bổ khoản quỹ này.