Thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 (Đề án 404)” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, TP Hồ Chí Minh đã chi hơn 14 tỷ đồng hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập ở khu công nghiệp, khu chế xuất.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Đề án 404 được triển khai tại 10 quận, huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng kinh phí khoảng 14 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách hơn 9 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn lực khác hơn 1,7 tỷ đồng và kinh phí công đoàn hơn 3,2 tỷ đồng.
Sau thời gian thực hiện Đề án 404, thành phố đã đạt được một số kết quả nổi bật, đảm bảo các mục tiêu của Đề án. Cụ thể, với chỉ tiêu được giao là 40 nhóm trẻ độc lập được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển, đến nay số lượng nhóm trẻ độc lập và nhóm trẻ (tối đa 7 trẻ) được hỗ trợ nâng chất lượng từ Đề án 404 và nhiều nguồn lực khác là 151 nhóm, vượt 111 nhóm (trong đó số nhóm trẻ được hỗ trợ theo Đề án là 51 nhóm; số nhóm trẻ được hỗ trợ từ nguồn khác là 100 nhóm).
Bên cạnh đó, 96% giáo viên, chủ nhóm, người nuôi giữ trẻ của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện Đề án được hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ (so với mục tiêu là 80%). Ngoài ra, 98% các bà mẹ ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất được tuyên truyền nâng cao nhận thức chăm sóc giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi (so với mục tiêu là 95%). Tỉ lệ trẻ dưới 36 tháng tuổi đến trường, nhóm trẻ vẫn ổn định (31,9% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai Đề án được gửi trong các cơ sở giáo dục mầm non có phép và đảm bảo chất lượng).
Theo Ban Chỉ đạo Đề án 404, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2019 - 2025. Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào một số nội dung như bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và đạo đức lương tâm nghề nghiệp cho chủ nhóm và người giữ trẻ; tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi cho các bà mẹ là lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng trường mầm non công lập ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân lao động.
Các quận, huyện thực hiện đề án tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhóm trẻ, kiên quyết đóng cửa đối với các nhóm trẻ hoạt động không phép, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Cùng với đó, các cấp công đoàn thành phố tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ, chăm lo cho con công nhân lao động, vận động người sử dụng lao động hỗ trợ kinh phí gửi trẻ cho con công nhân lao động…