Để án đặt ra mục tiêu phát triển bền vững vận tải hành khách công cộng, đến năm 2025 đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân và tăng lên 25% vào năm 2030. Ngoài ra, để án còn giúp nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, từng bước giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường TP HCM.
Đề án chia nhiều lộ trình, thực hiện từ năm 2020 - 2030, kết hợp song song các giải pháp vừa phát triển vận tải công cộng như metro, xe buýt, BRT… với các giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới như thu phí ôtô vào trung tâm thành phố, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp thu phí ô nhiễm môi trường của mô tô, xe máy 2 – 3 bánh với tổng cộng 27 nhóm giải pháp.
Trong đó có 17 giải pháp phát triển hệ thống, tăng cường tiếp cận, nâng cao tính cạnh tranh của vận tải hành khách công cộng; nâng cao chất lượng đoàn phương tiện và công tác quản lý điều hành, khai thác hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Nhóm giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông bao gồm ba giải pháp kinh tế, hành chính về thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động của xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh.
Nhóm giải pháp hỗ trợ bao gồm bảy giải pháp về quản lý quy hoạch đô thị, phát triển nguồn vốn hỗ trợ giao thông công cộng, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý nhu cầu giao thông và trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền.
Kinh phí thực hiện đề án từ ngân sách Nhà nước (bao gồm chi thường xuyên và chỉ đầu tư phát triển được cân đối hàng năm cho các sở, ngành, địa phương); kinh phí tự cân đối và huy động hợp pháp khác của các đơn vị thuộc đối tượng tham gia đề án; kinh phí tài trợ từ các nước và tổ chức quốc tế.
Khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.
Sở GTVT là cơ quan thường trực, khẩn trương tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện đề án.