Sẵn sàng di dời
Báo cáo của Sở xây dựng TP.HCM cho thấy, hiện nay TP còn 10 chung cư hư hỏng cấp D - cấp độ nguy hiểm với hàng trăm hộ dân đang cư trú.
Một câu hỏi đặt ra là tại vì sao người dân cứ mãi sống trong các chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng mà không chịu di dời mặc dù họ biết tính mạng và tài sản của mình gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào? Đa phần người dân không chịu di dời vì sợ không được tái định cư (TĐC) tại chỗ.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại rất khó có thể đạt được, bởi trong 10 năm qua, TP.HCM mới chỉ tháo dỡ được 32 chung cư cũ và việc cải tạo diễn ra rất chậm.
Ông Hoàng Đức Trung (65 tuổi), ngụ tại chung cư 155 - 157 Bùi Viện cho biết: "Nhà tôi dọn về chung cư này từ những năm 1980, tài sản này là do ba má tôi để lại, sống ở đây nửa đời người nên quen rồi, con cháu học hành và làm việc quanh đây. Giờ chuyển đi nơi khác, mọi sinh hoạt cũng như cuộc sống bị đảo lộn".
"Chúng tôi nhận thức được là ở trong những chung cư đã xuống cấp, cũ như thế này môi trường ẩm thấp, nhiều côn trùng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, hơn nữa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, sập đổ bất cứ lúc nào. Qua đây tôi xin kiến nghị với lãnh đạo các cấp làm sao có chủ trương xây lại mới sao cho hợp lý, càng sớm càng tốt, tạo điều kiện cho chúng tôi được tái định cư tại chỗ là tốt nhất", ông Trung giãi bày.
Theo tìm hiểu tại các gia đình sống ở các chung cư đang trong diện phải thóa dỡ thì tất cả đều chung quan điểm: Nhà nước triển khai và có kế hoạch cụ thể, công khai, đặc biệt về chính sách TĐC, giá bán suất TĐC, thì các gia đình sẵn sàng di dời. Trong khi đó, ở các dự án đã có chủ trương đầu tư thì quá trình thực hiện cũng gặp nhiều vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý cũng như nguồn tài chính.
Một trong vướng mắc quan trọng nhất liên quan đến thỏa thuận bồi thường, TĐC giữa chủ dự án và người dân. Không ít người dân yêu cầu bồi thường cao hơn mức chủ đầu tư chấp nhận.
Trong khi đó, hầu hết chung cư xây dựng trước năm 1975 đều ở khu vực trung tâm, được kiểm soát chặt về hệ số sử dụng đất và mức trần giới hạn về dân số. Để điều chỉnh quy mô dự án, sẽ phải mất thời gian, ảnh hưởng đến nguồn lực, nguồn tài chính của chủ đầu tư.
Di dời gấp 2 chung cư tại quận 5
Sau 5 năm chưa cải tạo được vì vướng nhiều thủ tục pháp lý, mới đây UBND TP.HCM đã quyết định bàn giao UBND quận 5 báo cáo về 2 dự án xây mới chung cư cũ tại số 926 Võ Văn Kiệt và cao ốc 727 Trần Hưng Đạo, để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện. Đây là 2 chung cư cũ, nguy hiểm cấp độ D, phải xây mới.
Cao ốc 727 Trần Hưng Đạo nằm trong chương trình cải tạo lại chung cư cũ của TP.HCM.
Sở Xây dựng TP.HCM được giao nghiên cứu nhu cầu sử dụng quỹ nhà TĐC tại quận 5 và các quận lân cận, từ đó đề xuất việc bố trí 30% căn hộ của dự án này (96 căn hộ) để phục vụ tái định cư và 70% quỹ nhà còn lại của dự án (224 căn hộ) để kinh doanh thu hồi vốn.
Song đến nay do vướng nhiều thủ tục pháp lý thuộc trách nhiệm giải quyết của các bộ ngành nên cả hai dự án này vẫn chưa được triển khai, gây lãng phí quỹ đất “vàng” của thành phố.
Để sớm tháo gỡ tình hình hiện tại, mới đây UBND TP.HCM đã giao UBND quận 5 báo cáo toàn diện quá trình triển khai thực hiện 2 dự án nói trên. Từ đó, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện các dự án này.
Đối với việc đẩy nhanh cải tạo, xây mới các chung cư cũ, nát trên địa bàn TP.HCM, nhiệm vụ tiên quyết đề ra là các địa phương phải vượt ra khỏi sự ràng buộc của từng dự án, rộng hơn nữa là thoát ra khỏi địa giới hành chính của các quận, huyện để liên kết, tạo quỹ đất đủ lớn nhằm có thể thu hút doanh nghiệp tham gia.
Muốn vậy, phải đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích: Người dân có nơi ở mới, doanh nghiệp có lợi nhuận, Nhà nước có được công trình mới./.