Lực lượng “cò vé” đông đảo tại khu vực SVĐ Mỹ Đình. ẢNh: Mộc Trà
Vé bóng đá “đội giá” từng ngày
Hàng triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam đã chứng kiến trận đấu hết mình của các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam trong trận thắng 2-1 trước tuyển Philippines vào hồi 18h30 ngày 2/12 vừa qua. Vào 17h30 hôm nay (6/12), người hâm mộ nước nhà lại tiếp tục chờ đón trận bán kết lượt về được tổ chức tại SVĐ Mỹ Đình (Hà Nội) với hi vọng các tuyển thủ sẽ tiếp tục đánh bại tuyển Philippines trên sân nhà để bước tới trận chung kết.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, ngày 5/12, giá vé chợ đen đã tăng hơn so với ngày 4/12. Cụ thể, mỗi cặp vé khán đài C,D có giá từ 2,8 - 4 triệu đồng, riêng khán đài A lên đến 7 triệu đồng/cặp. Một nam “cò vé” cho biết: “Nếu các anh mua từ ngày 4/12, chắc chắn giá vé thấp hơn. Chúng em chỉ bán từ 5,5 - 6 triệu đồng/cặp vé khán đài A thôi. Đến thời điểm này thì giá bị đẩy lên cao rồi bởi giá mua vào cũng cao ngất”.
“Cò vé” hoạt động hết công suất trước trận bán kết lượt về tại SVĐ Mỹ Đình.
Đặc biệt, một “cò vé” tại đây cũng tiết lộ, nếu ai muốn mua loại vé VIP (vé mời) thì sẽ làm đầu mối liên hệ với người cầm vé. Khi được hỏi, “cò” ra hiệu 10 ngón tay, tức 10 triệu đồng/cặp. Chúng tôi tiếp tục liên hệ với một người chào bán vé VIP thông qua kênh online, người này báo giá 10 triệu đồng/cặp và bớt 200.000 đồng, vận chuyển vé đến tận tay người mua.
Trước đó, vào các ngày 28 - 29/11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã phát hành 25.000 vé lượt về trận Việt Nam - Philippines qua hình thức bán online nhưng có quá nhiều người vào truy cập, dẫn đến website có hiện tượng “tắc nghẽn”. Thậm chí có nhiều công ty, doanh nghiệp, nhóm người cùng hô hào nhau “săn” vé online nhưng đều mua không thành công.
Đến ngày 30/11 và 1/12, VFF tiến hành chuyển vé cho người hâm mộ qua 2 hình thức nhận vé trực tiếp, hoặc qua chuyển phát nhanh. Ngay sau khi những tấm vé đầu tiên đến tay người hâm mộ, rất nhiều “cò vé” đã trực chờ sẵn và chào mua lại với giá từ 1,8 - 4,5 triệu đồng/cặp, trong khi đó mức giá mà phía VFF phát hành chỉ từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng/cặp. Theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội ngày 3/12, tại khu vực trước cổng trụ sở VFF luôn có hàng chục “cò vé” tụ tập và sẵn sàng thu mua hoặc chào bán cho người hâm mộ, thậm chí giá vé tại đây được đẩy lên trên 6 triệu đồng/cặp.
Chiêu cao tay của “cò vé” né lực lượng chức năng
“Chợ vé” luôn nhộn nhịp trong những ngày qua.
Trong thời gian thâm nhập đội quân “cò vé” trước cổng trụ sở VFF và trước SVĐ Mỹ Đình, chúng tôi bắt gặp nhiều trường hợp “cò” bị lực lượng chức năng “hỏi thăm”. Điều này khiến giới “cò vé” luôn cảnh giác cao độ. Nếu như 2 trận vòng đấu bảng trước tại SVĐ Mỹ Đình và SVĐ Hàng Đẫy, “cò vé” hoạt động công khai, các giao dịch thực hiện ngay tại chỗ với phương châm “tiền trao cháo múc” thì hiện nay sự cảnh giác của “cò” được đẩy lên rất cao.
Trong vai một người hâm mộ cần mua 2 cặp vé khán đài A, sau khoảng 20 phút thương lượng, cuối cùng chúng tôi được một nữ “cò vé” đồng ý bán với giá 12 triệu đồng/2 cặp và “ra lộc” 200.000 đồng xăng xe. Tuy nhiên, “cò vé” này cho biết, do lực lượng chức năng truy quét gắt gao nên chỉ thỏa thuận tại chỗ, còn việc giao dịch phải tìm nơi khác.
Một nữ “cò vé” tại đây cho chúng tôi biết: “Bây giờ có 2 phương án lựa chọn: Một là em đưa chị ra địa điểm nào đó rồi mình giao dịch; hai là em nhắn địa chỉ nhận vé, chị sẽ cho người mang đến tận nơi giao vé rồi nhận tiền. Bây giờ chị chỉ đứng ở đây để thỏa thuận thôi chứ không dám giao dịch trực tiếp. Đã có nhiều người mất trắng vì bị lực lượng chức năng truy quét, trong khi mỗi cặp vé chị chẳng lời được là bao”.
Một “cò vé” ôm hơn 10 cặp vé chuẩn bị giao dịch.
Cũng tại khu vực trước cổng trụ sở VFF, những “cò vé” hoạt động khá tinh vi. Nếu người nào có ý định bán vé nhưng không xòe vé thì “cò” không bao giờ ra giá. Người giao dịch bắt buộc phải đưa ra những tấm vé để “cò” thẩm định, rồi “cò” mới quyết định mua lại hay không. Theo lý giải của một “cò vé”: “Nhiều người đóng giả bán vé đi khảo giá, hoặc tránh tình trạng lực lượng chức năng hỏi nên chúng tôi chỉ phát giá khi nhìn tận mắt những tấm vé”.
Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều người đặt được vé online nhưng không có nhu cầu xem, hoặc cần tiền đã bán lại cho “cò”. Anh Trần Kháng (trú tại Minh Khai, Hà Nội) cho biết: “Tôi may mắn đặt được 2 cặp vé loại 500.000 đồng, tuy nhiên 2 vợ chồng chỉ sử dụng một cặp nên tôi đã bán cặp vé còn lại cho “cò” với giá 5 triệu đồng”.
Trong khi đó, anh Minh Tuấn – một người hâm mộ lại cho biết: “Dù “săn” cả 2 ngày qua nhưng không thể mua được vé online nên tôi đành tìm mua vé chợ đen. Dù biết là giá bị đẩy lên cao nhưng tôi quyết định mua 2 cặp vé loại 200.000 đồng với giá 5 triệu đồng. Sợ đến sát giờ bóng lăn, giá vé tiếp tục tăng”.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể và chế tài xử phạt đối với “cò vé”. Vé xem bóng đá được coi là hàng hóa hợp pháp được phép mua bán, giao dịch. Người hâm mộ mua lại từ “cò” với giá cao gấp nhiều lần so với giá gốc là do sự thỏa thuận giữa hai bên trên phương diện “thuận mua vừa bán” và không bị cấm. Tuy nhiên, pháp luật sẽ xử phạt “cò vé” có hành vi chèo kéo khách dẫn tới gây mất trật tự công cộng và gây cản trở giao thông. Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi phổ biến nhất mà dân “cò vé” hay gây ra. Việc mua bán vé thường diễn ra khu vực xung quanh sân vận động, với các hành vi như chèo kéo, tranh giành khách, chửi bới, nói tục, gây mất an ninh trật tự khu vực. Nếu trường hợp “cò vé” tự in ấn vé giả hoặc mua bán mà số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.