Không chỉ vậy, ngay cả trẻ em ở đô thị, sinh sống trong những gia đình có điều kiện kinh tế, cũng vẫn luôn phải đối mặt với không ít nguy hiểm, khi thiếu thốn sự giáo dục của cha mẹ - những người đang phải “lo” rất nhiều thứ - từ tiền nong, đầu tư cho các mối quan hệ, cho tới đường thăng tiến trong sự nghiệp…

Rất nhiều trẻ em nói rằng, các em đang “rất cô đơn” ngay dưới mái nhà của chính mình!

Trẻ em cần được bảo vệ tốt hơn từ gia đình - Ảnh 1

Cha mẹ dành nhiều thời gian cho con cái là một cách để bảo vệ con được tốt hơn

Mới đây, diva Hồng Nhung cho biết, chị đã ngưng sử dụng mạng xã hội để dành thời gian cho con. Đó thực sự là một “điều lạ” ở một nghệ sĩ nổi tiếng – vốn “sống nhờ” rất nhiều vào mạng xã hội. Vì vậy, có thể coi hành động này của diva là một sự hy sinh, vì tương lai của các con.

Nhưng không nhiều người có được quyết định đúng đắn và dũng cảm như vậy. Chúng ta từng có một khẩu hiệu rất hay, là “Hãy dành tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em”, thế nhưng có vẻ như trong một xã hội phát triển, điều kiện kinh tế thịnh vượng hơn, các tiện nghi phục vụ cuộc sống đầy đủ hơn, các mối quan hệ được kết nối rộng rãi và nhanh chóng hơn, thì nhiều trẻ em có nguy cơ bị đẩy ra bên lề cuộc sống. Ngay cuối năm học vừa rồi, hẳn có không ít trẻ đã bị cha mẹ trách phạt, thậm chí đánh đòn vì kết quả học tập không như cha mẹ kỳ vọng. Người lớn đặt lên vai trẻ nhỏ rất nhiều áp lực, nhưng nhiều người lại không thực sự đồng hành với trẻ em trong những bước chập chững vào đời. Nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng chi những khoản tiền rất lớn cho con được đi học – kể cả học thêm với tần suất cực kỳ dày đặc; chi tiền cho con đi chơi với bạn bè, được sớm hưởng thụ những sản phẩm, dịch vụ cao cấp, nhưng họ lại không có thời gian để ngồi trò chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của con. Thậm chí có những người còn không có thòi gian để ăn chung bữa cơm với gia đình – một trong những “cơ hội” rất tốt để người lớn hiểu và cảm thông với những “vấn đề” của trẻ em.

Trẻ em cần được bảo vệ tốt hơn từ gia đình - Ảnh 2

Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân đẩy trẻ em tới nhiều nguy cơ, cạm bẫy rình rập ngoài xã hội

Đó là với những gia đình bình thường hay thậm chí là khá giả, còn với những gia đình nghèo, cha mẹ suốt năm suốt tháng phải bươn chải kiếm sống, thì trẻ em còn bị bỏ bê nhiều hơn. Ngay bản thân người lớn cũng không biết rằng, con họ đang phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, cạm bẫy, nên không có những chỉ bảo, định hướng để phòng ngừa.

Tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị buộc phải lao động sớm, có phần lớn nguyên nhân xuất phát từ chính những khiếm khuyết trong giáo dục của gia đình. Người ta có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho xã hội, nhà trường, hay cho cả hệ thống chính sách, pháp luật chưa chặt chẽ, nhưng không nhiều người thấy được những khiếm khuyết trong giáo dục gia đình. Vì thế nên không ít người thực sự “mất phương hướng” trong việc giáo dục, bảo vệ con cái.

Trẻ em cần được bảo vệ tốt hơn từ gia đình - Ảnh 3

Hơi ấm tình thương cùng tinh thần trách nhiệm của cha mẹ sẽ giúp trẻ em được lớn lên trong môi trường trong lành, an toàn

Người lớn phải thực sự quan tâm, gần gũi để hiểu được trẻ em, đồng thời phải sống gương mẫu để con nhìn vào mà noi theo. Giáo dục gia đình cần được thực hiện từ những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất, nhưng lại có tác động rất lớn đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em.

Nguồn: http://baodansinh.vn/tre-em-can-duoc-bao-ve-tot-hon-d98534.html

Theo baodansinh.vn