Nghiên cứu của CBS đề cập đến một số điều rất đáng chú ý. Đầu tiên, những trẻ em ở độ tuổi 9 - 10 dành nhiều giờ mỗi ngày trước màn hình (dù chơi game hoặc không) bị giảm kích thước vỏ não. Vỏ não mỏng đi là một quá trình lão hóa tự nhiên, nhưng sẽ không bình thường nếu hiện tượng này diễn ra ở trẻ em.
Đáng lo ngại hơn là chúng cũng đạt kết quả kém hơn ở các bài kiểm tra logic và ngôn ngữ so với những đứa trẻ khác. Việc này có thể lý giải là do chúng ít suy nghĩ, chỉ cần hỏi trợ lý ảo Google Assistant khi cần tìm câu trả lời.
Một phân tích khác về bộ não khi trẻ em dùng Instagram cho thấy chúng có phần phụ thuộc vào những hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội này. Cụ thể, những nội dung trên màn hình đã kích thích giải phóng dopamine – hóc môn khoái cảm. Vì vậy, sẽ không tốt một chút nào nếu trẻ sử dụng thiết bị điện tử ở trường.
Vậy còn cảm xúc thì sao? Nghiên cứu chỉ đơn giản nhấn mạnh việc những bé gái trong độ tuổi từ 10 đến 14 lớn lên với smartphone có nhiều khả năng bị mắc chứng tự ngược đãi bản thân. Sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu kỹ hơn mối liên quan giữa việc sử dụng màn hình trên các thiết bị điện tử và sự phát triển não bộ ở trẻ nhỏ.
Hoàng Anh/Theo AndroidPIT