Vẫn sổ là chính
Đến thời điểm này, bệnh nhân tại bệnh viện Nhi Hà Nội vẫn chủ yếu dùng sổ khám bệnh là chính (Ảnh BM)
Ngày 27/3/ 2019 phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có một cuộc khảo sát tại một số bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhi Hà Nội, Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Xanh Pôn... Và thực tế cho thấy, hầu hết các bệnh viện đều vẫn sử dụng sổ khám bệnh.
Theo đó, với khối lượng lớn bệnh nhân đến cùng một lúc diễn ra thường xuyên tại các bệnh viện tuyến Trung ương phải chờ đợi, xếp hàng để ghi sổ là điều khó tránh khỏi. Thậm chí, tại một số bệnh viện, công tác này còn cần một lực lượng bảo vệ tham gia hỗ trợ để đảm bảo giữ trật tự an ninh cho khu khám bệnh.
Đây cũng là một khâu hứa hẹn khi triển khai bệnh án điện tử, mọi thông tin bệnh nhân đều đã được tích hợp trên thẻ điện tử thì bệnh nhân đến viện khám sẽ chỉ cần trình thẻ và mọi thông tin sẽ được hiển thị trên máy tính việc chờ đợi sẽ được rút ngắn đi rất nhiều.
Theo ghi nhận của phóng viên tại sảnh chính của Bệnh viện phụ sản Hà Nội, một số người bệnh cũng đã có cập nhật thông tin về bệnh án điện tử và hầu hết các bệnh nhân khi biết thông tin đều rất hào hứng.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Bá Hà (35 tuổi, quê Bắc Giang) đưa vợ đi khám cho biết: "Tôi đã nghe về bệnh án điện tử trên thời sự và tìm hiểu thêm trên mạng thì thấy có rất nhiều lợi ích cho người bệnh cũng như việc khám phát hiện bệnh lạ từ phía bệnh viện.
Điều này sẽ giúp người dân chúng tôi phòng tránh được bệnh tốt hơn. Riêng việc giúp người bệnh đến bệnh viện không phải chờ đợi, không phải làm những xét nghiệm không cần thiết là rất tốt. Tôi mong bệnh án điện tử được thực hiện tại các bệnh viện càng sớm càng tốt."
Thậm chí, khi nghe được những trao đổi của chúng tôi, nhiều bệnh nhân tại sảnh chính của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vào ngày 27/3/2019 không giấu được sự hào hứng và có hỏi trực tiếp nhân viên của bệnh viện về bệnh án điện tử bao giờ sẽ áp dụng. Tuy nhiên, đáp lại thì nhân viên tại quầy hướng dẫn cho biết: Bệnh viện đang khảo sát và sẽ cố gắng thực hiện trong tháng 4, hoặc tháng 5 tới đây.
Trong khi đó, tại một số bệnh viện khác, điển hình là Bệnh viện Phụ sản Trung đã có bước đầu chuẩn bị cho việc triển khai bệnh án điện tử. Tại các quầy tiếp đón đã xây dựng các cây tra cứu thông tin điện tử. Tuy nhiên, việc tra cứu thông tin từ bệnh nhân vẫn chưa có.
Trao đổi với phóng viên về bệnh án điện tử, đại diện của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Bệnh viện cũng đang cố gắng chuẩn bị triển khai bệnh án điện tử. Bệnh án điện tử là xu hướng mà cả thế giới đang theo, nếu áp dụng được thì rất tốt cho ngành y tế nước nhà. Nhưng để hiện thực hóa được bệnh án điện tử thì bất cứ bệnh viện nào cũng cần một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng."
Thiếu, yếu hạ tầng
Máy tra cứu thông tin bệnh nhân tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhưng rất ít người tìm đến thao tác (Ảnh: BM)
Hầu hết các bệnh viện đều không thể phủ nhận những ưu điểm của bệnh án điện tử mang lại như giảm bớt được thủ tục thăm khám, sẽ giúp người bệnh không phải đợi chờ lâu, theo đó các thủ tục cấp cứu, nhập viện, ra viện cũng được tối giản.
Bệnh án điện tử sẽ giúp các bệnh viện có thông tin đầy đủ về bệnh nhân hơn, giúp cho việc nghiên cứu, chuẩn đoán bệnh, điều trị chính. Bệnh án điện tử sẽ lưu trữ được thông tin bệnh nhân từ a - z một cách khoa học, công khai giúp cho quản lý bệnh án được dễ dàng và chấm dứt được việc lạm phát trong y tế với tình trạng cầm giấy ra viện để thanh toán bảo hiểm nhưng thực ra không hề nằm viện.
Tuy nhiên, với bệnh án điện tử, mọi thứ đều phải được đẩy trên điện tử thì việc lạm phát kia là không thể. Người bệnh phải có đầu vào, có quá trình nằm viện mới có thể có giấy ra viện được... Nhưng, việc hiện thực hóa bệnh án tại bệnh viện không phải là việc đơn giản.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có trao đổi với Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Trung ương, BSCK II, Thạc sĩ Đặng Thị Hồng Thiện. Theo bà Thiện, việc cập nhật thông tin bệnh nhân trên máy tính, bệnh viện đã thực hiện nhiều năm nay nhưng để áp dụng bệnh án điện tử vào ngay thì hiện tại bệnh viện vẫn chưa thể thay thế được bản giấy, vẫn phải thực hiện song song cả hai. Bởi để thực hiện được bệnh án điện tử thì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố."
Thứ nhất về chữ ký điện tử, hiện tại bệnh viện chưa đăng ký được chữ ký điện tử. Theo đó toàn bộ chữ ký đều vẫn phải thực hiện trên giấy.
Thứ hai về cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu. Để có thể nhập được tất cả thông tin bệnh án giấy như việc thăm khám, xét nghiệm, chăm sóc trên một mũi tiêm, thuốc điều trị, nằm viện, ra viện, sử dụng dịch vụ, trang thiết bị, ra viện... tất cả cái đó đều phải nhập trên máy tính thì cần phải có khối lượng máy tính lớn. Và hiện nay, với bối cảnh các bệnh viện đều phải tự chủ tài chính thì đây là một khó khăn chung của các bệnh viện không riêng bệnh viện nào.
Bên cạnh đó, việc tăng nhân lực để đáp ứng giai đoạn chuyển giao từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử cũng là mối quan tâm của bệnh viện. Việc đào tạo nhân lực để áp dụng bệnh án điện tử thao tác trên máy tính cũng cần mất thời gian.
"Việc viết bệnh án trên giấy sẽ đơn giản hơn rất nhiều việc đánh máy trên máy tính. Nếu một tên thuốc viết sai trên giấy có thể gạch đi nhưng trên máy tính thì không thể đơn giản như vậy. Bởi, chỉ cần tích một nhấp chuột mà tên thuốc sai sẽ ngay lập tức nhảy lên khoa dược, và mọi chuyện sẽ bị thay đổi hoàn toàn", Bác sĩ, Thạc sĩ Hồng Thiện cũng cho biết thêm.
Do việc tăng nhân lực cho bệnh án điện tử không hề đơn giản nên để chuẩn hóa được tất cả các khâu thì các bệnh viện đều cần thời gian thích ứng và chuẩn bị kỹ. Đây là một trong những khó khăn đang nảy sinh ở hầu hết các bệnh viện
Chiến lược dài hơi
Vì bệnh án điện tử chưa đáp ứng được nhu cầu nên tình cảnh chờ đợi đến lượt khám vẫn trở thành vấn đề khá nan giải ( Ảnh BM)
Để đánh giá những khó khăn trước mắt thì đa phần các lãnh đạo bệnh viện đều cho rằng, bệnh án điện tử là khả thi khi chúng ta biết nhìn xa và rộng hơn giữa cái được và cái mất. Đó gần như là sự đầu tư có lợi cho sự phát triển dài hơi, mang tính hội nhập thế giới của ngành y tế.
Do vậy, khi điện tử hóa được hết thông tin lên máy tính thì mới có thể kết nối được hết thông tin y tế trên cả nước, và việc thống kê, nghiên cứu, phát hiện bệnh lý, kiểm soát nguồn bệnh mới chính xác và triệt để.
Cũng như chia sẻ của Thạc sĩ Hồng Thiện, bản thân các thông tin bệnh án đều "biết nói" và đó là tài sản quý báu của ngành y tế. Có thể minh chứng là từng người bệnh không thể tìm ra được căn nguyên của vấn đề, nhưng khi được tiếp cận với một lượng lớn bệnh án được thống kê trên điện tử thì bác sĩ lại có cơ sở tìm được ra tại sao vấn đề này lại lặp lại nhiều như thế và tìm ra được vấn đề một cách dễ dàng hơn.
Từ đó, Thạc sĩ Đặng thị Hồng Thiện cho rằng: "Nếu các bệnh viện có thể áp dụng được bệnh án điện tử, kết nối được thông tin bệnh nhân trên toàn quốc thì đây là điều quá tốt cho ngành y, quan trọng là lộ trình bao nhiêu và phù hợp năng lực của từng bệnh viện như thế nào?
Cùng quan điểm này, TS.BS. Phạm Đức Huấn, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng: "Đây là đề án có rất nhiều ưu điểm cho sự phát triển của ngành y. Bệnh viện đang tiến hành triển khai bệnh án điện tử"
Từ các tiền đề trên thì việc đưa bệnh án điện tử vào thực tế chỉ còn là thời gian và nó thể hiện từ chính sự chủ động và nỗ lực của các bệnh viện. Các bệnh viện phải nắm bắt được những tiền đề sẵn có và phát huy tối đa tiềm lực đó để tận dụng cơ hội phát triển cho chính mình.