Cụ thể, các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về phòng, chống thiên tai được hoàn thiện. UBND TP. Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham gia rà soát, góp ý sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống thiên tai và các luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Trung ương trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố.
Hàng năm, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về thiên tai đến với người dân và cán bộ chính quyền các cấp luôn được thành phố, các sở, ban, ngành và các địa phương quan tâm, tổ chức thực hiện thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú.
Các nội dung tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai của các cấp, ngành được thực hiện, bố trí lồng ghép từ nguồn chi thường xuyên hàng năm của ngân sách Thành phố. Công tác kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên đã được Ủy ban nhân dân các cấp; các sở, ban, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội đã triển khai tổ chức xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân, tự vệ, từng bước nâng cao năng lực dân sự trong ứng phó thiên tai tại cơ sở.
Công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng quản lý đê và lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp được quan tâm thực hiện hàng năm; đã Tổ chức các cuộc diễn tập nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
TP. Hà Nội đã tiếp nhận và bổ sung, nâng cấp trang thiết bị chuyên dùng nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Từng bước tăng cường trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tại văn bản số 41/TW-PCTT ngày 27/2/2018.
Cùng với đó, công tác nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai luôn được chú trọng. Tổ chức thực hiện công tác trực ban ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nghiêm túc, đúng quy định.
Thông tin về tình hình thời tiết, khí hậu, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố thường xuyên được báo cáo, đưa tin kịp thời trên các phương tiện thông tin và hệ thống truyền thông. Các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo từng bước được quan tâm đầu tư.
Hàng năm, UBND TP. Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã hoàn thành việc rà soát, xây dựng và phê duyệt phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn làm cơ sở chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, sẵn sàng triển khai thực hiện khi có thiên tai xảy ra.
Mặt khác, theo hướng dẫn của các cấp Trung ương, ngày 7/10/2015, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng" giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tại Quyết định số 5061/QĐ-UBND.
Theo kế hoạch đã xây dựng, 17 hoạt động của công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được triển khai thực hiện tại 270 xã, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020. Hàng năm, các hoạt động trong Kế hoạch đã được triển khai thực hiện bằng nguồn vốn bố trí từ ngân sách thành phố Hà Nội.
Trước tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tích cực, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai như: ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quan trắc, cảnh báo thiên tai và các hoạt động phòng, chống thiên tai. Điều chỉnh thời vụ sản xuất, đổi mới kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển giống cây trồng và vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và diễn biến thiên tai của từng vùng.
Triển khai xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình: đê điều, hồ đập, đường giao thông, công trình phòng chống ngập lụt, chống hạn, phòng chống sạt lở bờ sông, phòng chống lũ quét, sạt lở đất; gia cố nhà ở và các cơ sở hạ tầng khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai theo kế hoạch đầu tư công, các dự án, chương trình, đề án của Trung ương và thành phố Hà Nội được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thực hiện nghiêm túc các Điều ước quốc tế, Hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai mà Việt Nam tham gia ký kết.. Lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn: https://baodansinh.vn/ha-noi-trien-khai-dong-bo-nhieu-giai-phap-phong-chong-thien-tai-trong-giai-doan-2016-2020-20210106115155552.htm