Theo kế hoạch, quận Long Biên đã đưa mục tiêu thực hiện, bao gồm việc xây dựng và tổ chức Điểm cảnh báo ATTP cấp 2 (quận) và cấp 3 (phường) trong hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP trên địa bàn toàn thành phố; thông tin cảnh báo về ATTP, sự cố khẩn cấp về ATTP được quản lý, xử lý kịp thời, có hiệu quả, cảnh báo nhanh cho cộng đồng; bên cạnh đó, các đơn vị đầu mối có trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của quận tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nhóm thực phẩm trên địa bàn quận theo phân cấp.

Để thực hiện những mục tiêu đề ra, quận sẽ xây dựng, tổ chức Điểm cảnh báo ATTP cấp 2 (quận) và cấp 3 (phường). Các nội dung gồm các loại thông tin cảnh báo cần tiếp nhận: thông tin về mất ATTP, ô nhiễm thực phẩm ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; ý thức thực hành của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP; ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại tới sức khỏe con người.

Khi tiếp nhận thông tin qua các hình thức, các Điểm cảnh báo xác định nội hàm sự cố, xác định quy mô, thành lập ngay các đoàn kiểm tra, xác minh nguồn thông tin về ATTP được tiếp nhận; điều tra xử lý về ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm; kiểm tra, giám sát ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp; kiểm tra hậu kiểm chất lượng ATTP.

Sau khi xử lý thông tin tiếp nhận, đưa ra các biện pháp, tuyên truyền cho cộng đồng đế cảnh báo nguy cơ tùy từng trường hợp cụ thể.

trien khai mo hinh he thong canh bao nhanh ve an toan thuc pham
Cơ quan chức năng quận Long Biên kiểm tra công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn quận

Trước đó, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về việc triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, TP sẽ xây dựng và tổ chức hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP trên địa bàn toàn TP gồm 3 ngành: Y tế, Công thương, NN&PTNT tại 3 đơn vị thường trực là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Các điểm cảnh báo ATTP sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý cảnh báo về ATTP trên địa bàn TP. Từ đó đưa ra các biện pháp cảnh báo nhanh cho cộng đồng. Các điểm cảnh báo ATTP từ TP xuống quận; huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có quyết định thành lập hệ thống cảnh báo nhanh, phân công cụ thể cán bộ phụ trách tiếp nhận thông tin và được kết nối hoạt động với điểm cảnh báo Trung tâm.

Các đơn vị đầu mối có trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của ngành Y tế, ngành NN&PTNT, ngành Công thương tổ chức kiểm tra giám sát chất lượng nhóm thực phẩm trên địa bàn TP theo phân cấp; Xây dựng, tổ chức hệ thống/bộ máy cảnh báo nhanh về ATTP trên địa bàn toàn TP với 3 cấp: TP; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Điểm cảnh báo cấp 1 tiếp nhận, xử lý thông tin, tổ chức điều tra xác minh xử lý thông tin; tổng hợp thông tin, giám sát, thanh kiểm tra an toàn thực phẩm.

Điểm cảnh báo cấp 2 tại quận, huyện, thị xã tiếp nhận thông, tin, sự cố về an toàn thực phẩm, tổ chức điều tra, xác minh và cung cấp đầy đủ thông tin trong lĩnh vực được phân công.

Điểm cảnh báo cấp 3 tại các xã phường, thị trấn tại trạm y tế cung cấp thông tin sự cố về ATTP, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm thường xuyên, đột xuất, xác nhận và cung cấp đầy đủ thông tin, báo cáo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra và báo cáo về điểm cảnh báo cấp 2.

Kế hoạch cũng nêu rõ, hình thức tiếp nhận thông tin có thể là truyền tin qua điện thoại, tin nhắn, email… Cán bộ tiếp nhận cần thông báo ngay tới hệ thống cảnh báo cấp trên trong vòng 2 giờ, và điều tra, xử lý, báo cáo trong vòng 24 giờ đối với sự cố khẩn cấp về an toàn thực phẩm.

UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng Kế hoạch, triển khai các hoạt động theo kế hoạch tại địa phương đúng tiến độ, thời gian, mục tiêu. Quyết định thành lập hệ thống cảnh báo nhanh, xây dựng điểm cảnh báo cấp 1, cấp 2 trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, triển khai các điểm tiếp cận thông tin - xử lý thông tin tại địa bàn. Xử lý, giải quyết các vấn đề ATTP trên địa bàn dựa trên thông tin cảnh báo từ hệ thống cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ ATTP. Phối hợp các đơn vị chức năng tuyến TP trong công tác thanh kiểm tra, giám sát phát hiện sự cố về ATTP, phòng chống và xử lý ngộ độc thực phẩm theo phân cấp.

Cán bộ quản lý ATTP cấp TP, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tham gia hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP được bồi dưỡng kiến thức về cảnh báo nhanh ATTP; thông tin cảnh báo về ATTP, sự cố khẩn cấp về ATTP được quản lý, xử lý kịp thời, có hiệu quả, cảnh báo nhanh cho cộng đồng.

An Nhiên

Theo phapluatxahoi.vn