Ngày 17/4 vừa qua, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan đã pha tạp chất và nhuộm đen cà phê bằng pin.
Tuy chưa có kết luận chính xác cà phê của cơ sở này đã bị nhuộm bao nhiêu pin, nhưng trước đây, đã rất nhiều bài báo nói về sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu như tiếp xúc hoặc dùng thực phẩm chứa các chất độc có trong pin.
Trong lõi pin có chứa rất nhiều hóa chất. Những chất này ngấm vào cà phê và sẽ hòa tan trong nước, nhẹ thì gây ngộ độc. Uống lâu dần tích tụ trong cơ thể gây hại não, thận, hệ thống tiêu hóa và đường sinh sản. Ban đầu, nhiễm độc các hóa chất này sẽ có một số triệu chứng cụ thể:
Caldmium
Chất caldmium rất nguy hiểm khi đi vào cơ thể bởi nó đào thải rất chậm. Nếu như chỉ cần một lượng 30-40g cũng đủ gây chết người khi nó không thể đào thải kịp.
Để xác định chất này đang có trong cơ thể, bạn sẽ cảm thấy đau lưng và xương sống, hoặc xét nghiệm nước tiểu sẽ có caldmium trong nước tiểu.
Thủy ngân
Kim loại này không dễ mất đi trong quá trình chế biến. Thủy ngân nếu đi vào não sẽ gây hư hỏng các cấu trúc bao myeline của dây thần kinh. Một khi cấu trúc này hư hại sẽ ảnh hưởng đến khả năng trí tuệ, nhận thức và rối loạn hệ thống miễn dịch.
Biểu hiện cơ thể nhiễm thủy ngân ban đầu là bị run nhẹ các ngón tay. Tình trạng này phát triển dần ra cả bàn tay, cẳng tay rồi lan đến chi dưới và các cơ ở mặt, lưỡi, thanh quản. Nếu nhiễm thủy ngân nặng sẽ bị run liên tục, cơn run lan đến toàn bộ các cơ có thể vận động theo ý muốn.
Mangan
Đối với những người thường xuyên tiếp xúc với mangan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, gây ra hội chứng manganism (gần giống parkington). Nếu hấp thụ lâu dài vào cơ thể, còn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch và phổi.
Triệu chứng nhiễm mangan bao gồm nhức đầu, suy nhược, ngủ kém, rối loạn thăng bằng, dáng đi vụng về, ngượng ngập.
Chì
Chúng ta thường nghe đến chì trong mỹ phẩm, tuy không vào cơ thể trực tiếp qua đường uống, chỉ là đường bôi đã có thể gây ngộ độc và cả những rối loạn về ngôn ngữ, hành vi và trí tuệ.
Hàm lượng chì khi đi vào trực tiếp qua đường uống sẽ thấm vào cơ thể nhanh hơn, do đó hiển nhiên sẽ độc hơn. Hàm lượng chì quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh... Chì nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng.
Triệu chứng nhiễm độc chì là thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, sốt, hơi thở có mùi, sưng lợi với viền đen ở lợi, da vàng, đau khớp xương, mạch yếu, nước tiểu ít, trong nước tiểu có poephyrin...
Dù ở hàm lượng nhiều hay ít, người chế biến thực phẩm tuyệt đối không nên cho pin vào bởi pin là sản phẩm công nghiệp, không phải sản phẩm thực phẩm nên hóa chất làm pin không tuân theo các tiêu chuẩn sản phẩm dành cho thực phẩm.