Trong đó, nội dung được quan tâm về dự án Bộ luật này là đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, toàn diện và đồng bộ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tinh thần Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực lao động, đảm bảo việc làm bền vững; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, bổ sung những vấn đề mới đang đặt ra, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng.

Đồng thời, nội luật hóa các cam kết, các tiêu chuẩn lao động quốc tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, thị trường lao động.

 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Lê Bảo.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Lê Bảo.

Liên quan đến việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đưa ra 2 phương án được để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đối với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1 thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021).

Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/trinh-2-phuong-an-de-xuat-tang-tuoi-nghi-huu-nam-len-62-nu-len-60-20190529113545247.htm

Theo Giadinh.net.vn