Sinh con đúng vào những ngày miền Bắc rét đậm, rét hại, vợ chồng chị Thu Thủy (ở Thanh Trì, Hà Nội) luôn nơm nớp lo sợ bé bị nhiễm lạnh nên hầu như cả ngày, bé Nhím, con gái anh chị luôn được bao bọc trong một “mớ” khăn bông rồi chăn ủ kín mít từ đầu đến chân, chỉ hở mỗi khuôn mặt bé.

Hàng ngày, bé Nhím được thay tã và vệ sinh vùng quanh rốn, việc thay quần áo cho bé cũng rất hạn chế. Riêng chuyện tắm cho con, hầu như cả hai vợ chồng chị Thủy lẫn ông bà nội ngoại đều thống nhất quan điểm: “Để hôm nào hửng nắng thì tắm cho bé một thể. Thà bẩn một tí cũng không sao, còn hơn "lột" con ra tắm rồi nhỡ may lạnh quá viêm phổi lại khổ”.

Tuy nhiên, gần đây, bé Nhím hay quấy khóc, cả ngày lẫn đêm đều ngủ không ngon giấc. Thấy con có biểu hiện lạ, vợ chồng chị Thủy vội kiểm tra người con thì phát hiện phần lưng của bé nổi chi chi chít những nốt mẩn li ti, hai nách cũng ửng đỏ lên. Lúc này, vợ chồng chị Thủy mới nhận ra, đây chính là hậu quả của việc lười tắm cho con khiến bé gặp tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.

Không tắm cho trẻ trong mùa đông lạnh là một quan niệm sai lầm. Ảnh minh họa

Không tắm cho trẻ trong mùa đông lạnh là một quan niệm sai lầm. Ảnh minh họa

ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều bố mẹ vì quá lo lắng bị mất nhiệt nên thường mặc quần áo dày cho trẻ. Thậm chí với những trẻ sơ sinh, phụ huynh còn quấn kèm vài lớp chăn bông để giữ ấm. Tuy nhiên, đây là việc làm có thể gây hại cho trẻ.

Bởi lẽ, khi ủ ấm quá kỹ, trẻ nhỏ sẽ bị nóng, sinh ra hiện tượng toát mồ hôi. Lúc đó, do lớp quần áo quá dày bên ngoài vô tình tạo thành “hàng rào” ngăn mồ hôi thoát ra ngoài, chúng sẽ thấm vào quần áo và gây lạnh ngược lại cho trẻ nếu bố mẹ không kịp thời phát hiện và lau khô cho trẻ.

Bên cạnh đó, không tắm mà chỉ thay quần áo cho trẻ trong mùa lạnh cũng là một quan điểm sai lầm. Việc thay quần áo bên ngoài mà không lau rửa người cho trẻ nhất là những bộ phận dễ tích tụ vi khuẩn như khuỷu tay, nách, cổ, bẹn… sẽ gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ. Đồng thời khiến trẻ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Do đó, theo BS Đỗ Thiện Hải, khi nhiệt độ xuống thấp, phụ huynh vẫn nên tắm cho con. Không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Một tuần có thể tắm 2-3 lần. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo trẻ được lau rửa và thay quần áo sạch sẽ hàng ngày. Bố mẹ phải tắm cho trẻ bằng nước ấm, trong phòng kín gió, tránh nơi gió lùa và phải lau khô, giữ ấm cơ thể cho trẻ sau khi tắm.

BS Hải đặc biệt lưu ý, khi tắm cho trẻ, bố mẹ không nên cởi toàn bộ quần áo của con ra, nên tắm từng bộ phận, tắm đến đâu cởi đến đó. Tốt nhất nên tắm từ dưới lên trên, tức là lau rửa chân tay sạch sẽ, lên bụng, ngực rồi mới đến phần đầu. Thời gian tắm cho trẻ nhỏ trong mùa lạnh không nên kéo dài quá 10 phút. Tránh tắm cho bé sớm quá hoặc muộn quá trong ngày. Thời gian lý tưởng nhất là từ 10h-10h30 sáng và 15-16h chiều.

Bên cạnh đó, dù trời lạnh đến mức nào cũng không nên pha nước tắm cho con nóng quá. Điều này sẽ có hại cho làn da mỏng manh của bé. Khi dùng tay để thử thì người lớn cảm thấy nước đủ ấm tức là nước đó bị nóng với trẻ. Vì vậy, bố mẹ nên dùng nhiệt kế để xác định nhiệt độ nước tắm thích hợp cho trẻ. Sau khi tắm xong, dùng khăn bông lau khô người và mặc quần áo cho trẻ nhanh để tránh cho trẻ bị nhiễm lạnh.

Trong những ngày mùa đông lạnh, nên sử dụng đèn sưởi khi tắm cho bé. Tuy nhiên, nên lựa chọn đèn sưởi nhà tắm phù hợp với làn da và thân nhiệt của trẻ. Chọn đèn sưởi nhà tắm có chế độ tỏa nhiệt nhanh, công suất lớn để không mất công chờ đợi nhà tắm đủ ấm mới tắm cho con. Đồng thời, nên lựa chọn đèn sưởi không chói mắt trẻ, nhất là trẻ sơ sinh để không ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của trẻ.

N.Mai

Theo Giadinh.net.vn