Nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế
Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm nay, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nông nghiệp đã trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Riêng trong quý III, khi dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm.
Nhận định về sự tăng trưởng ấn tượng của ngành Nông nghiệp, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Trong đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như 1 trụ đỡ khi kinh tế chao đảo.
Theo Bộ trưởng Hoan, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh.
“Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người”, ông Lê Minh Hoan nói.
Từ câu chuyện trong đại dịch vừa rồi có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác.
“Tôi nghĩ về sức sống của hàng chục triệu hộ nông dân. Đây là niềm tin để phát triển chiến lược “tam nông” căn cơ hơn”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng kim ngạch xuất khẩu nông là 35,5 tỷ USD, dù còn vậy, từ nay cho tới hết năm 2021 vẫn còn khoảng 2 tháng nữa, dư địa tăng trưởng nông nghiệp vẫn sẽ tiếp tục tăng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Minh Hoan cho rằng: Theo thông lệ hằng năm, quý IV là quý tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông nghiệp. Sơ bộ làm việc với các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến xuất khẩu, chúng tôi rất tự tin sẽ đạt được kế hoạch đặt ra 42,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh.
“Chúng ta cũng biết, những ngày gần đây, sự chuyển hướng trong phòng chống dịch sang xác định sống chung với dịch trong điều kiện bình thường mới, chủ trương sẽ không còn “Zero COVID-19”, dòng người lao động từ khu đô thị về các địa phương đã xuất hiện ổ dịch, cũng khiến lãnh đạo một số địa phương không tránh khỏi hoang mang”, Bộ trưởng Hoan nói.
Cũng theo Bộ trưởng, mục tiêu của Chính phủ mở cửa nền kinh tế, phục hồi phát triển kinh tế cũng sẽ gặp một vài khó khăn khi dịch bùng phát tại một số địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ lần này, cùng với sự chủ động của các địa phương, tôi nghĩ rằng đây là điểm tựa cho các doanh nghiệp có liên quan đến xuất khẩu có niềm tin để tái khởi động lại.
“Tôi nghĩ rằng có niềm tin rất lớn vào các doanh nghiệp nội của chúng ta vì cuối cùng doanh nghiệp Việt của chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng để thu hút FDI. Hiện nay, Chính phủ đã tạo ra một hào khí cho các doanh nghiệp trên cả nước, trong nguy có cơ, cái cơ ở đây là các doanh nghiệp đã thức tỉnh, bản thân doanh nghiệp cũng nhìn lại sức chống chịu rủi ro của mình để tích cực hơn”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2021 đề ra là 2,5-2,8%
Theo Bộ NN-PTNT, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2021 đề ra là 2,5-2,8%, theo Bô trưởng Lê Minh Hoan, qua khảo sát sơ bộ đánh giá đối với từng ngành hàng, từng địa phương và làm việc với Tổng cục Thống kê, ông Hoan cho rằng tăng trưởng của ngành sẽ đảm bảo và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta.
Qua đó để thấy dư địa của Việt Nam, mặc dù đang ở giai đoạn chống chọi với dịch bệnh, ngay cả ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, những biến cố thị trường, đứt gãy logistic cung ứng thế giới… Tuy nhiên dư địa chúng ta còn và chúng ta có niềm tin.
Trong bối cảnh đó, những bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn sắp tới, không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Chúng ta bắt đầu khơi thông được tư duy đó.
Ông Hoan đánh giá: Đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỉ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Trong đó, Việt Nam phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bởi vì đã có nhiều nghiên cứu, bản thân xã hội cũng là nguồn lực, bản thân văn hóa cũng là nguồn lực… Văn hóa, xã hội nông thôn, trí thức hóa người nông dân tạo ra cộng đồng nông dân năng động ở địa phương. N
“Điều đó sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của người nông dân với nhau. Chúng ta thấy “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa “lời nguyền” của nông nghiệp; nếu trong “bình thường mới” tiếp tục manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì vẫn là vòng luẩn quẩn”, ông Hoàn chia sẻ thêm.
Nguồn: https://congluan.vn/trong-dai-dich-nong-nghiep-tro-thanh-tru-do-cua-nen-kinh-te-post163940.html