Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, theo khảo sát mới đây của VCCI, kiến nghị phổ biến nhất của các doanh nghiệp hiện nay là không tăng các loại thuế, phí.

"Tình hình kinh doanh gặp khó khăn, chưa hồi phục sau đại dịch Covid-19, chi phí đầu vào lại tăng mạnh, làm sao để giảm chí phí sản xuất luôn là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay đối với doanh nghiệp. Nếu tăng thuế, phí thì doanh nghiệp rất lo ngại", ông Tuấn nói.

Do giá đầu vào tăng mạnh, nhiều mặt hàng vẫn phải tăng giá bán.
Do giá đầu vào tăng mạnh, nhiều mặt hàng vẫn phải tăng giá bán.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM cho biết, sức mua nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến đang giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá bán, do giá đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu.

Trong khi đó, theo Hiệp hội doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM, với giá xăng dầu và gas ở mức cao kéo dài, nhiều doanh nghiệp đang tính toán tiếp tục tăng giá bán thực phẩm dù trước đó đã tăng.

Không những thế, các doanh nghiệp cho rằng giá thực phẩm thời gian tới còn tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhiều người nuôi lợn bị thua lỗ, không tái đàn, dẫn đến thiếu thịt khiến giá tăng lên.
Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt trước căng thẳng xung đột giữa Nga và Ukraine, dự báo mức tăng giá xăng dầu sẽ không chỉ dừng lại ở mức tăng thời điểm này. Trong khi, dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Đáng chú ý, tại Việt Nam, khi giá xăng tăng sẽ kéo theo chi phí logistics, nguyên phụ liệu và vận hành nhà máy tăng thêm khiến doanh nghiệp đối mặt với bài toán khó trong mục tiêu kích cầu nội địa để phục hồi.

Qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp cho biết, giá xăng dầu tăng khiến họ đang phải chịu nhiều áp lực về việc tăng giá các mặt hàng. Cùng đó, tình hình nhập nguyên liệu, hàng hóa đang gặp khó khăn do nguồn hàng, nguyên liệu bị thiếu hụt và thiếu tàu chở hàng khiến họ không kịp trở tay và rất chật vật để xoay sở.

Các doanh nghiệp này cho biết, nếu giá đầu vào tăng liên tục, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, rủi ro của doanh nghiệp vì thế cũng tăng.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích, theo dự báo của giới chuyên môn, lạm phát của Việt Nam có thể ở mức 4,5% trong năm nay và vượt ngưỡng 5% trong năm 2023. Các yếu tố gây áp lực lên lạm phát thời gian tới là giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong đó, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm tạo áp lực lớn nhất, do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng hơn 2%, làm gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Trong hoàn cảnh này, nên giảm các loại thuế phí để hỗ trợ các doanh nghiệp. Việc tăng thuế phí là điều nên tránh, bởi thuế phí tăng đẩy giá hàng hóa tăng sẽ tiếp sức cho lạm phát tăng cao.

Theo congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/truoc-bao-gia-cac-doanh-nghiep-dang-can-gi-post198303.html