Trong một bài báo đăng trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà báo Xuân Dương từng nêu lên một thực tế rằng: "Đất nước đang tồn tại một hiện tượng và có xu hướng trở thành phổ biến khi xử lý sự cố, đó chuyện là cán bộ, cơ quan có trách nhiệm đổ lỗi cho cấp dưới. Cũng có trường hợp quả bóng trách nhiệm lại bị đẩy lên tận Thủ tướng Chính phủ.
Và không hiếm chuyện người đứng đầu Chính phủ, Nhà nước… phải đích thân đứng ra chỉ đạo những việc mà đáng ra nó thuộc về trách nhiệm của các địa phương theo phân cấp quản lý.
Một đất nước mà từ chuyện sập giàn giáo, chuyện thi tuyển công chức, bạo hành trẻ em tới chuyện tai nạn giao thông… đều “báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch nước”, hoặc “chờ ý kiến chỉ đạo" thì họ mới làm thì rõ ràng có vấn đề?
Đất nước chỉ có một Thủ tướng, một Chủ tịch nước... nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng, Chủ tịch nước...? Thế thì còn đâu thời gian người đứng đầu Chính phủ, Nhà nước... còn thời gian lo cho quốc gia đại sự?
Thật đáng buồn, thực tế trên lại đang diễn ra khi cấp trên thì rất quyết liệt trong chỉ đạo, xử lý, còn cấp dưới ì ạch, hoặc cấp trên cho chủ trương, nhưng cấp dưới làm khó người dân, doanh nghiệp. Đây là điều đi ngược lại với mong mỏi của người dân và lãnh đạo cấp trên. Và sự chậm chạp đó có thể có nguyên nhân từ thói vô cảm của một số cán bộ cấp dưới?
Chẳng cần nói đâu xa, câu chuyện xe điện tiền tỷ của Công ty Phương Hiền nằm “đắp chiếu” đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh trước đó là một minh chứng điển hình cho nhận định trên.
Xin được nhắc lại, trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo phê duyệt đề án đối với doanh nghiệp có nhu cầu thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh có gắn chạy động cơ bằng điện chở khách tại tuyến đường hạn chế đã được phê duyệt, đồng thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định theo quy định của pháp luật. Trong khi đó địa phương (Thanh Hóa) lại nói chờ ý kiến cấp trên.
Vụ việc có lúc nóng đến mức Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng không ít lần chất vấn Thủ tướng Chính phủ về việc này, nhưng sau tất cả những chỉ đạo của cấp trên, doanh nghiệp vẫn rơi vào tình cảnh "chết lâm sàng" và đối diện với nguy cơ phá sản, hàng loạt lao động rơi có thể mất việc, mất thu nhập.
Và đã có lúc Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã phải thốt lên rằng: “Câu chuyện này cứ lòng vòng, đá lên, đá xuống, đá đi đá lại. Nếu cứ thế này thì doanh nghiệp chỉ có “chết” mà thôi”. Ông cũng nói rằng, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, ông sẽ theo đuổi vụ việc này đến cùng, bởi nếu chỉ giám sát nửa vời thì cử tri và Nhân dân sẽ không đồng tình.
Bình luận về sự việc này, hôm 3/3, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, cơ quan có thẩm quyền phải có lý giải phù hợp khi “ngăn sông, cấm chợ” doanh nghiệp xe điện khi họ đã có đề án, xe đã đủ tiêu chuẩn lưu thông nhưng địa phương không cho phép hoạt động:
“Chủ trương đã được cấp trên chấp thuận, nhưng cấp dưới không cho phương tiện lưu hành thì phải có lý do chính đáng tại sao xe không được chạy? Tuy nhiên, khi anh cấm xe của đơn vị này nhưng lại cấp phép cho xe đơn vị khác lưu thông là không thể chấp nhận được”, ông Hòa nhận định.
Từ nhận định trên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm trong vụ xe điện nói trên.
“Chính phủ đã đồng ý, Bộ Giao thông có văn bản cụ thể nhưng địa phương không đồng ý cho xe của doanh nghiệp Phương Hiền hoạt động, nhưng lại cấp phép cho xe đơn vị khác lưu thông thì trong chuyện này có thể có lợi ích nào đó ở địa phương.
Bây giờ doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị, phương tiện nhưng không được lưu thông rõ ràng sẽ gây thiệt thòi cho họ. Về mặt kinh tế, khi doanh nghiệp thua lỗ thì ai sẽ chịu trách nhiệm đây? Nếu máy móc, xe cộ đã đầu tư bị hư hỏng vì không được lưu thông thì tính sao đây? Doanh nghiệp trong trường hợp này nên kiên quyết để theo đuổi quyền lợi của mình”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội hiến kế: “Trong trường hợp này, tôi nghĩ rằng Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải nên tiếp tục chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa phải chấp hành chủ trương, để doanh nghiệp được đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh. Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là tìm giải pháp làm sao hỗ trợ, kiến tạo doanh nghiệp phát triển.
Nếu các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, thì Bộ giao thông vận tải, doanh nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa nên (trực tiếp) ngồi lại với nhau để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Vấn đề cốt lõi vẫn là đảm bảo quyền đầu tư của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp nếu các bên không tìm được tiếng nói chung thì doanh nghiệp nên khởi kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi”, ông Hòa nói.
Trong diễn biến có liên quan tới vụ việc nói trên, mới đây, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, vị này tiếp tục gửi kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo làm rõ nhiều vấn đề xung quanh vụ việc nói trên.
Lần này, vị đại biểu thẳng thắn: “Mặc dù tôi đã nhận được văn bản chất vấn của đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Thanh Hóa (về vụ việc nói trên), nhưng tinh thần các văn bản chủ yếu vẫn là đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết nghiêm túc kiến nghị của doanh nghiệp.
Đặc biệt vụ việc cho thấy rõ sự thiếu khách quan, không công bằng trong chỉ đạo điều hành cấp phép hoạt động cho Công ty Phương Hiền tham gia kinh doanh (trong đó có cả việc không cấp phép hoạt động và không cho Công ty Phương Hiền làm thủ tục nộp thuế hàng chục xe đã được mua, nhập khẩu). Ngược lại, UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND thành phố Sầm Sơn vẫn cho phép các đối tượng không đủ điều kiện hoạt động. Vấn đề này báo chí đã đưa tin, người lao động và công ty bức xúc, liên tục kiến nghị".
Ngày 2/1/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháng 12/2018. Thông báo có ghi, kiến nghị của Công ty Phương Hiền liên quan tới cấp phép sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn TP. Sầm Sơn. Nội dung này đã được Chủ tịch UBND tỉnh trả lời doanh nghiệp nhiều lần.
Vì vậy, trong khi chưa có hướng dẫn chỉ đạo mới của Trung ương, đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh không tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan để đề nghị cấp phép sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh, đồng thời yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan không tham mưu, giải quyết kiến nghị nêu trên.
Trong khi đó ngày 10/10/2018, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND tỉnh nêu rõ: “Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty Phương Hiền theo chỉ đạo của Thủ tướng...".
"Đây chứng tỏ là một trong những dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm lên cấp Trung ương, tìm cách gây khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy Công ty Phương Hiền vào tình trạng có nguy cơ phá sản, nhiều lao động là đối tượng gia đình chính sách vào cảnh khó khăn, không công ăn việc làm", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.
Với trách nhiệm là Đại biểu Quốc hội, ông Nhưỡng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo giải quyết khẩn trương, nghiêm túc kiến nghị chính đáng của Công ty Phương Hiền để công ty sớm đưa phương tiện đã nhập khẩu, kiểm định vào hoạt động, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, góp phần phát triển du lịch và đóng góp cho ngân sách, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời chỉ đạo tiến hành thanh tra, xem xét, xử lý các sai phạm (nếu có) của cơ quan, đơn vị cá nhân có liên quan.
(Còn nữa)