Chiều 9-2, Tiến sĩ Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và nhóm nghiên cứu của Viện đã công bố chế tạo thành công sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh vi rút corona (nCoV).

Tiến sĩ Lê Quang Hòa (đứng) cùng cộng sự trong phòng thí nghiệm.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Hòa, khi nắm được thông tin tại Trung Quốc có một số trường hợp viêm phổi mà không xác định được nguyên nhân, nhóm nghiên cứu đã quan tâm theo dõi. Vì vậy, ngay sau khi trình tự hệ gen của chủng vi rút nCoV được công bố trên ngân hàng GenBank vào ngày 13-1, nhóm nghiên cứu đã chủ động tiến hành phát triển sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh chủng vi rút nCoV. Kết quả test sẽ có ngay sau 70 phút, do vậy phương pháp này có thể ứng dụng được ở các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện dã chiến, phòng khi dịch bệnh bùng phát. Giá thành sản xuất cho mỗi test là khoảng 350.000 đồng.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Quang Hòa, với cơ sở vật chất hiện có của phòng thí nghiệm, nhóm có thể sản xuất được khoảng 2.000 test/ngày. Nếu được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, công suất sản xuất có thể tăng lên gấp 10 hoặc 20 lần.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, một trong những lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên của nhà trường là khoa học và công nghệ sức khỏe. Phương pháp thử vi rút nCoV đã có kết quả bước đầu, tuy nhiên để phương pháp này có thể được ứng dụng rộng rãi trong thời gian sớm nhất, cần có sự góp sức của nhiều đơn vị, bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ...   

Theo Hà Nội Mới