Tết xa quê đã giúp Ly (áo trắng) trưởng thành hơn rất nhiều.

Nếu được lựa chọn, chẳng ai chọn đi xa

Không có cây mai ánh vàng, cành đào đỏ thắm, cũng chẳng xúng xính váy áo đầu năm, nhưng bạn Phùng Thị Ly (25 tuổi, du học sinh Hàn Quốc) và tất cả những người con xa quê đều háo hức, mong chờ đến ngày Tết cổ truyền.

"Tôi không biết Tết có từ khi nào, do ai sáng tạo ra, cũng không thể lý giải mùa xuân gói Tết trong lòng hay là Tết nở ra mùa xuân. Nhưng tôi chỉ biết phải cảm ơn mùa xuân vì đã có Tết để những đứa con xa quê hương như tôi có dịp trở về đoàn tụ với gia đình. Thật sự trải qua nhiều mùa Tết, tôi càng nhận ra vị của Tết chính là vị của sự yêu thương, vị của sự trưởng thành” Bùi Huy Đạt

Với họ, Tết không chỉ là tết của gia đình mà còn là tết của quê hương. Vì vậy, vào mỗi độ Tết đến xuân về, dù có ở rất xa nhau hay thậm chí không cùng một múi giờ nhưng Ly cùng những người bạn vẫn sẽ lại tìm đến nhau, ngồi lại và tận hưởng tinh thần dân tộc hiếm hoi mà ngày thường chẳng khi nào có được.

Đây là lần đầu tiên Ly ăn Tết xa nhà lại còn ở một nơi khá xa lạ, nhiều bỡ ngỡ nên cũng chưa quen và chưa bắt nhịp được với không khí Tết ở nơi này. Nhớ nhung “mùi Tết” và không khí dịp xuân, các cô cậu học trò lần đầu xa gia đình cũng tự vào bếp, vui vẻ nấu các món ăn truyền thống. Thông thường, vào những ngày Tết quê hương, cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc sẽ tụ họp lại, cùng lên thực đơn và kế hoạch đi chợ, nấu những món ăn quê hương rồi đi chùa cầu may mắn, sức khỏe và bình an cho năm mới. Cứ như vậy, mỗi năm qua đi, người lạ thành người quen, người đã quen rồi thành bạn bè nên Tết đối với họ cũng đã trở thành một dịp để tụ họp và quây quần.

Ly chia sẻ: “Lần đầu tiên tự tay bày mâm cơm ngày Tết, tự đi chợ mua thịt về kho, muối dưa cải, cảm giác thích thú lắm! Ngày xưa vì bận học, chẳng mấy khi tôi vào bếp. Nhưng giờ tôi có thể nấu được nào là thịt kho tàu, nào là canh khổ qua nhồi thịt nên cảm thấy rất vui, tự hào và có chút gì đó rất hãnh diện”.

Đón Tết xa nhà không chỉ làm người ta biết tự nấu nướng, tự trang hoàng mà còn biết cách đối diện với cảm xúc với chính mình. Khi giờ khắc giao thừa đã đến, pháo bông tỏa sáng rực rỡ ở một phần bầu trời xa xôi thì Ly cùng những người bạn rất dễ mủi lòng, rất dễ rơi nước mắt. Có lẽ sẽ không ai quên được những giọt nước mắt nhớ nhà nén chặt lại sau cuộc điện thoại chúc Tết. Có lẽ không ai quên được mùng Một, mùng Hai ngồi trong giảng đường, tự hỏi bố mẹ đã đến chúc Tết ông bà hay chưa. Bỏ lỡ thời khắc mọi người được quây quần đông đủ bên nhau, rộn rã tiếng cười nói luôn khiến người ta xót xa và chạnh lòng.

Với Đạt (ngoài cùng bên phải), Tết dù xa hay gần đều rất đáng trân trọng.

Mỗi mùa Tết xa, những người con xa xứ còn biết đến nhớ nhung, biết lấy yêu thương làm động lực, biết an ủi bản thân, động viên bạn bè. “Còn nhớ lúc ngay khi mình tắt máy thì không kiềm được nước mắt, òa lên khóc, bạn bè đều vỗ về và động viên, bày trò vui và kể chuyện rôm rả. Cảm giác cô đơn thực sự vơi bớt đi rất nhiều đó. Tết mà, có thể không ăn mừng quá rộn rã nhưng nhất định là phải ở bên nhau để xua đi cảm giác cô đơn lúc giao thừa”, Ly nói.

Cũng theo Ly, hiện nay, để giúp những du học xinh xa quê có một cái Tết trọn vẹn và ý nghĩa ở nơi xứ lạ, tại một số trường đại học ở Hàn Quốc có hội học sinh Việt Nam, chương trình đón giao thừa sẽ được chuẩn bị một cách công phu hơn nhiều với những màn văn nghệ đặc sắc cùng những trò chơi sinh viên không thể thiếu. Những hoạt động bổ ích và thú vị này cũng sẽ góp phần giúp các du học sinh vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Mặc dù, đón Tết ở nơi xa với nhiều thiệt thòi và nỗi nhớ nhưng đối với Ly, đó còn là một đặc ân để chúng ta thấu hiểu được hơn bất kỳ ai hết, giá trị của gia đình. Để rồi khi trở về, chúng ta đã là một người trưởng thành hơn, biết quý trọng từng phút từng giây bên cạnh bố mẹ và những người yêu thương.

“Ngày trước khi còn bé, mỗi lần bị bố mẹ mắng là tôi lại thường muốn đi đâu đó thật xa và chẳng bao giờ quay về nữa nhưng giờ lớn rồi, trường thành rồi thì khác, lúc nào cũng khao khát được trở về ngôi nhà bé nhỏ của mình mà ở đó có rất nhiều niềm vui và tình yêu thương. Dẫu biết đi thật xa để trở về, đi thật xa để trưởng thành nhưng nếu được lựa chọn, tôi tin chắc sẽ chẳng ai chọn đi xa. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khác cũng có suy nghĩ ấy bởi có những điều chỉ đến khi bắt đầu trưởng thành và rời xa quê hương, chúng ta mới hiểu thấu”, Ly bộc bạch.

Những cái Tết xa quê chưa bao giờ mất đi ý nghĩa mà ngày càng được khắc sâu trong tâm khảm của những người con xa xứ. Bởi vì thấu hiểu nỗi cô đơn, nên càng trân trọng hơi ấm của những người thân yêu gần kề; bởi vì xa quê, nên càng hiểu sâu sắc ý nghĩa của những dịp sum vầy. Tết vì vậy, càng đáng quý, càng chứa đựng nhiều niềm vui!

Đi xa để hiểu ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ sum họp

Bùi Huy Đạt (24 tuổi, du học sinh của trường Đại học Leipzig tại thành phố Leipzig, bang Sachsen, Đức) tạm biệt gia đình sang Đức du học từ tháng 10/2017. Đây không phải lần đầu tiên Đạt đi học xa, song ý nghĩ không phải cứ nhớ là có thể bắt một chuyến xe về nhà với mẹ, khiến cậu hiểu rõ mình thật sự đã rời xa vòng tay gia đình.

Tạm cất nỗi nhớ nhà vào trong tim, Đạt mất vài tuần để có thể bắt nhịp với cuộc sống mới. Ngày đi học và tranh thủ bồi dưỡng thêm tiếng, tối miệt mài đi làm thêm rồi về nhà lúc 22h, Đạt chỉ kịp tắm giặt, ăn uống rồi ngủ, bài vở nhiều khi không động đến.

Mùa xuân đầu tiên ở Sachsen, Đạt hay “sụt sịt” vì chưa quen với tiết trời có khi lạnh dưới 0 độ. Cũng trong mùa xuân xa nhà đầu tiên ấy, Đạt đã có trải nghiệm thú vị khi được đón Tết với người dân bản địa.

Đạt cho biết, năm mới ở Đức thường diễn ra trong vòng một tuần. Mọi người thức đến nửa đêm, cùng nhau trò chuyện, ca hát hoặc tụ tập đánh bài. Trước giao thừa 15 phút, mọi người ngồi quây quần bên nhau, đến khi đồng hồ điểm 0h, tất cả ra ngoài xem bắn pháo hoa và ném bỏ một thứ gì đó ra sau, coi đó mọi khó khăn đều được vứt bỏ.

Sau giao thừa, mọi người trao cho nhau những cái ôm và lời chúc “Frohes Neujahr” (Chúc mừng năm mới), mong ước một năm mới nhiều điều thuận buồm xuôi gió.

Giống như Tết cổ truyền ở Việt Nam, người dân Đức cũng chào đón với nhiều phong tục như đoán vận đầu năm, hay xem bói. Họ muốn biết rằng 12 tháng tới của họ sẽ thành công hay thất bại.

“Người Đức vốn nổi tiếng là sống tiết kiệm và họ cũng mê tín như người Việt mình. Trong các bữa ăn vào năm mới, người Đức hay để lại một chút đồ ăn. Họ tin rằng việc để lại một phần các món trong các bữa ăn đầu năm mới cho đến sau nửa đêm sẽ đảm bảo rằng, năm tới đồ ăn của mình không bao giờ hết”, Đạt nói.

Trong Tết truyền thống của Đức, cá chép là món ăn chào đón may mắn và thịnh vượng, xua đuổi những điều không may mắn. Mâm cơm gia đình không thể thiếu cá chép vào đêm giao thừa với mơ ước mang đến sự may mắn cả năm cho từng thành viên gia đình.

Năm mới, người Đức cũng ăn món bánh chiên nhân mứt Pfannkuchen và rượu Champagne. Các loại bánh mì tự làm thường có hình tròn, bát giác hay trái tim, hình chóp để cầu mong những điều không tốt sẽ được loại bỏ, và mong một năm mới với nhiều điều tốt lành sẽ đến.

Đêm giao thừa, không thể thiếu tiếng cạn ly tạo nên một bầu không khí vui vẻ của bữa tiệc, cùng nhau chúc những điều may mắn như: Prosit Neujahr (Vạn sự như ý), hoặc cùng nhau hát những bài chào đón năm mới.

Đạt tâm sự: “Tết năm ngoái cũng là cái Tết đầu tiên xa nhà, lên mạng xã hội thấy ngập tràn hình ảnh quê hương, nhưng lại chẳng thể ngửi được mùi nồng của khói bánh chưng, chẳng nếm được vị chua của củ hành muối. Có đôi chút chạnh lòng, bù lại tôi xúc động thấy được tình đoàn kết của cộng đồng người Việt nơi đây”.

Sachsen (Đức) chìm trong cái lạnh 0 độ C lúc 22h. Vừa tan làm, Đạt nhanh chóng di chuyển về nhà trước khi nhiệt độ xuống thấp hơn nữa. Ở Việt Nam bây giờ, Tết cũng đã gần chạm ngõ. Đạt gọi Facetime cho mẹ hỏi han đủ thứ chuyện về việc chuẩn bị Tết cho gia đình.

Dù nơi xa cách quê nhà hàng nghìn cây số, nhưng có nhắm nghiền mắt Đạt cũng tưởng tượng ra khắp phố xá đã tràn ngập không khí, sắc màu đặc trưng của ngày Tết đến xuân về; khung cảnh nhộn nhịp của dòng người đi chợ sắm tết; những bông hoa, những cành lộc non được bày bán khắp nơi; nhà nhà rửa lá, vo gạo... gói bánh chưng; cả gia đình quây quần xem Táo quân đêm 30 hay mâm cơm tất niên đầy ắp tiếng cười.

“Từng khung cảnh về cái tết ấm áp tình thân nơi quê nhà trôi qua như thước phim quay chậm, thêm điệu nhạc xuân ngân nga trong tâm trí, khiến nỗi nhớ nhà, nhớ quê cứ thế len lỏi vào từng giác quan, từng tế bào”, Đạt chia sẻ.

Đêm đông nơi xứ người dường như bớt lạnh hơn khi Đạt được sưởi ấm bằng niềm vui sắp được về nhà ăn Tết. Vé máy bay đã đặt, quà biếu người thân cũng đã được đóng gói cẩn thận, Đạt đếm từng ngày đến 28 tháng Chạp để về nhà.

Hơn hai năm xa nhà đã quá đủ mong nhớ, Đạt quyết định dành trọn kỳ nghỉ 15 ngày để làm thật nhiều điều ý nghĩa bên gia đình. Đó là mừng tuổi ông bà bằng tiền mình kiếm được, biếu mẹ một khoản kha khá, cùng mẹ và anh chị tới viếng mộ cha, rồi đi chúc tết họ hàng hai bên nội ngoại.

Khoảng thời gian đi học, đi làm vất vả nơi đất khách quê người không chỉ dạy cho Đạt cách lớn lên, mà còn giúp cậu hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ sum họp. “Tôi không biết Tết có từ khi nào, do ai sáng tạo ra, cũng không thể lý giải mùa xuân gói Tết trong lòng hay là Tết nở ra mùa xuân. Nhưng tôi chỉ biết phải cảm ơn mùa xuân vì đã có Tết để những đứa con xa quê hương như tôi có dịp trở về đoàn tụ với gia đình. Thật sự trải qua nhiều mùa Tết, tôi càng nhận ra vị của Tết chính là vị của sự yêu thương, vị của sự trưởng thành”, Đạt nói.

Mặc dù năm nay Đạt được đón Tết ở nhà cùng mẹ và những người thân yêu nhưng với cậu, dù có đón Tết ở nơi xa hay gần thì Tết vẫn là một dịp đáng để trân trọng, để kỷ niệm, để tụ họp, để nhìn lại và biết ơn.

Theo Ngày nay