Liên quan mục tiêu đến hết năm 2020 Hà Nội không còn bếp than tổ ong, ngày 03/7, trả lời phỏng vấn PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Lê Thị Thanh Thủy – Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (Sở TN&MT) cho biết: "Chỉ thị 15 của UBND Thành phố Hà Nội về loại bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn được ban hành vào tháng 10/2019 thì từ tháng 01/2020, chúng tôi chính thức thực hiện những kế hoạch loại bỏ bếp than tổ ong trên toàn thành phố".

Theo bà Lê Thị Thanh Thủy, đại diện Chi Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, Sở TN&MT sẽ xây dựng bộ chế tài đặc thù của thành phố theo Luật Thủ đô, để xử lý bếp than tổ ong, bắt đầu từ 01/1/2021. Ảnh: Bảo Loan

Bà Thủy cho rằng, sau những nỗ lực của phía chính quyền và người dân thì sau 6 tháng thực hiện Chỉ thị, số lượng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố đã giảm đến khoảng 80%. Điều này có thể thấy rõ khi so sánh số liệu ở thời điểm này với năm 2017.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường vào năm 2017, trên toàn thành phố có sấp sỉ 54.000 bếp than tổ ong. Tỷ lệ bếp than tổ ong tại các huyện ngoại thành chiếm khoảng 37%, trong khi đó, tại các quận nội thành lại chiếm đến 63% (do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng…).

Vì vậy, năm 2017, trung bình Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than/ngày, tương đương với việc thải khoảng 1.870 tấn khí CO2.

Tuy nhiên, sau 6 tháng thực hiện Chỉ thị 15 thì Sở TN&MT thống kê được, số lượng trên toàn thành phố đã giảm chỉ còn khoảng hơn 19.000 bếp than tổ ong.

Mặc dù sống lượng đã giảm hơn 1 nửa nhưng bếp than tổ ong vẫn là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí và tác động không nhỏ đến sức khỏe và môi trường của người dân Thủ đô, đặc biệt là khu vực nội thành.

Từ 01/01/2021, người Hà Nội dùng bếp than tổ ong sẽ bị xử phạt nghiêm.

Theo bà Thủy, từ hiện trạng ô nhiễm môi trường cộng với sự vào cuộc của phía chính quyền, nên thói quen của người dân đã thay đổi hơn. Người dân đã bắt đầu hiểu được những tác động tiêu cực của bếp than tổ ong mang lại cho cuộc sống và môi trường sống.

"Tôi hy vọng, từ nay đến hết 6 tháng cuối năm, cùng với sự cam kết, sự sát sao vào cuộc của chính quyền các cấp, nhận thức và thói quen của người dân về sử dụng bếp than tổ ong sẽ được thay đổi hoàn toàn", bà Thủy cho hay.

Cũng theo bà Thủy, nếu trong trường hợp thói quen của người dân không thay đổi thì bắt đầu từ ngày 01/01/2021, Hà Nội sẽ căn cứ vào Nghị định 155 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bà Thủy cho biết: "Chẳng ai muốn sử dụng công cụ chế tài để xử lý bởi đây là biện pháp cuối cùng phải sử dụng để loại bỏ bếp than tổ ong, mà hơn hết chúng tôi mong muốn sự phối hợp từ phía người dân.

Bất cứ chế tài nào được đưa ra mà không được thực hiện bởi phía chính quyền hay những cơ quan có liên quan, không có sự ủng hộ của người dân hay cơ chế giám sát của cộng đồng thì tôi cho rằng, chế tài đó cũng không đạt được hiệu quả.

Vì vậy, ngoài những chế tài sẵn có, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng một bộ chế tài đặc thù của thành phố theo Luật Thủ đô. Chúng ta sẽ có đầy đủ bộ công cụ chế tài cùng sự đồng hành giám sát của các địa phương, cộng đồng trong việc xác định rõ việc sử dụng bếp than tổ ong là việc mang lại những bất cập, nguy hại đến sức khỏe người dân".

Trước đó, tại Hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quý III và 6 tháng cuối năm là yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phấn đấu đến hết năm 2020, thành phố hoàn thành kế hoạch vận động người dân thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt kinh doanh dịch vụ, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo Bảo Loan/Gia đình & Xã hội