Ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành một vấn đề nan giải tại Việt Nam, nhất là khi liên tục có các nhà máy, xưởng sản xuất công nghiệp thường xuyên xả thải trực tiếp ra môi trường. Câu chuyện đáng bàn hơn là trong số đó, nhiều nhà máy còn nằm giữa khu dân cư nhưng vẫn nghiễm nhiên xả thải. Và không ai khác người dân ở cạnh nhà máy phải hứng chịu tất cả những nguy hại tiềm ẩn khi sống ở môi trường bị ô nhiễm.

Không biết “kêu” ai, hay nói đúng hơn là “kêu hoài chẳng được” nên những người dân hằng ngày bị tra tấn bởi đủ loại ô nhiễm từ chất thải của các nhà máy đã dần coi đó là số phận: "Đành chịu thôi" - sự bức xúc lại đi kèm với tiếng thở dài!

“Thị xã ô nhiễm”

Đó là tên gọi đã gần như quen thuộc của thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh nhiều năm nay. Là vùng kinh tế năng động của tỉnh, những tưởng khi kinh tế phát triển thì chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, nhưng đa phần người dân tại đây đều lắc đầu than thở: "Dân ở đây khổ lắm! Vì người ta đánh đổi môi trường lấy kinh tế".

Chỉ riêng phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) đã có hàng chục nhà máy, xưởng sản xuất giấy, thủy tinh, vật liệu kiềm tính… Tất cả đang trở thành nguồn cơn dấy lên những lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường, bức tử cuộc sống người dân địa phương nhiều năm nay.

Hàng loạt nhà máy nằm lọt thỏm trong khu dân cư gây ô nhiễm, trong đó nổi trộ nhất là nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam, thuộc Công ty xi măng Hoàng Thạch

Rửa sân, tưới cây, lau cửa và mấy bộ bàn ghế gỗ… đã trở thành công việc quen thuộc hàng ngày của ông Nguyễn Khắc Sơn. Không phải vì bản tính ưa sạch sẽ mà bởi nếu một ngày không lau rửa, sân sẽ đen kịt bụi than; cửa, bàn ghế sẽ bị bụi kiềm tính phủ trắng.

“Các nhà máy ở tiểu khu công nghiệp Đình Bảng gây ô nhiễm rất lớn đến các hộ dân xung quanh như ở phố Tân Lập chúng tôi, nhất là nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam. Lúc nào gió thổi theo hướng Đông Nam sang hướng Tân Lập này thì có mùi khét gây khó thở, thậm chí ngột thở. Không những thế mà còn có bụi mịn khi nghiền gạch kiềm tính, khói than của nhà máy giấy Thành Đồng và một số nhà máy thủy tinh, thép… rất độc hại”, ông Sơn nói.

Rửa sân, tưới cây, lau cửa nhà… đã trở thành công việc quen thuộc hàng ngày của ông Sơn

Mảnh vườn nhỏ trước sân, ông Sơn dành hết để trồng cây xanh tránh bụi. Nhiều cây đã vươn lên cao vút nhưng khi gió thổi mạnh, bụi than và bụi kiềm tính vẫn cứ thế bay vào nhà.

“6h sáng và 6h chiều, nhà máy bên kia xả khói đen đặc như tàu hỏa ngày xưa. Bụi và mùi không tài nào chịu nổi. Nhà máy bảo không độc nhưng làm sao chúng tôi chắc chắn nó có độc hay không, chỉ thấy mùi nồng nặc khó chịu lắm”, ông Sơn nói tiếp.

Ông cụ tên Phùng (bố ông Sơn) nay tuổi đã 90, cười chua chát khi nói về vấn đề ô nhiễm tại địa phương mình: “Ở đây ô nhiễm quá rồi. Về già cũng chẳng được thảnh thơi. Cũng may mũi của tôi không còn “thính mùi” như trước. Chỉ khi nào nó nồng nặc quá thì mới ngửi thấy”.

Nhiều năm nay, khi các nhà máy xả thải, ông Phùng luôn đóng cửa ngồi trong phòng, chỉ khi đã tan bớt mùi và bụi, ông mới ra ngoài hiên ngồi. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông dường như đã chấp nhận sống chung với ô nhiễm bằng thái độ lạc quan nhất, cũng bởi: “Chúng nó phản ánh lên trên nhiều lắm rồi. Trên bảo xử lý rồi nhưng vẫn cứ ô nhiễm. Nhà máy vẫn xả thải liên tục. Làm gì có ai ngó ngàng xử lý. Bao năm rồi vẫn vậy”.

Người dân lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường từ các nhà máy sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư

Hai năm nay, bà Nguyễn Thị Hiệp (66 tuổi) vẫn ngồi bán nước trước cửa nhà ở mặt đường Lý Nhân Tông, phường Đình Bảng. Với mức lương phụ cấp của công nhân nhà máy gạch về hưu, vợ chồng bà Hiệp không thể chuyển đi nơi khác nên hàng ngày vẫn “ngồi hít bụi” và mùi khói nồng nặc từ nhà máy chịu lửa kiềm tính bên cạnh. Đó là chưa kể đến bụi bặm và tiếng ồn từ những hàng dài xe tải chạy rầm rập đi ra từ tiểu khu công nghiệp.

“Tôi ở đây từ năm 1975, lúc đó nơi này còn thưa thớt dân cư, chưa có nhà máy kiềm tính và nhiều nhà máy khác như bây giờ. Mười mấy năm nay, khi có các nhà máy, người dân chúng tôi luôn phải ngửi mùi khó chịu, gây đau đầu, tức ngực. Ở đây ô nhiễm quá rồi. Nếu biết trước như thế này thì ai ở đây làm gì. Nhưng bây giờ muốn chuyển đi cũng chẳng được vì nhà chứ có phải con thuyền đâu mà muốn đẩy đi đâu thì đẩy. Ở đây là khổ, ô nhiễm, bụi bặm nhiều, rồi nước thải trong khu công nghiệp chảy ra đen kịt, có ngấm xuống nguồn nước ngầm cũng phải chấp nhận bơm lên ăn chứ không biết làm thế nào”, bà Hiệp trần tình.

Bà Hiệp chia sẻ về vấn đề ô nhiễm tại khu phố Lý Nhân Tông

Tương tự như hoàn cảnh của bà Hiệp, ông Ngỗ Văn Hào (63 tuổi) là bộ đội về hưu, cũng sống ở mặt đường Lý Nhân Tông, nhiều năm nay vẫn bức xúc khi môi trường sống bị ô nhiễm nhưng cũng đành bất lực: “Nhà máy kiềm tính xả khói bụi, gây mùi độc hại, nhất là những hôm trời gió, phải ngồi trong nhà đóng hết cửa lại. Gió lùa khí độc khó ngửi lắm. Tình trạng ô nhiễm thấy ngày càng tăng, nhiều hôm không dám mở cửa nhà. Buổi trưa các cháu không thể ngủ được, mùi khó ngửi kinh khủng.

Chúng tôi cũng phản ánh cho chính quyền nhiều lần nhưng không thấy ai đến giải quyết. Bao năm nay bà con sống rất khổ. Cơ quan ban ngành phải xem xét để có biện pháp xử lý, trả lại môi trường trong lành cho người dân chúng tôi”.

Ông Hào chia sẻ với phóng viên

Lo ngại trước những ảnh hưởng từ khí thải của các nhà máy, ngày nào ông Hào cũng phải đạp xe đến khu vực cách nhà 3 - 4 cây số để tập thể dục. Giống như các hộ dân ở khu phố này, tuổi già của vợ chồng ông Hào cũng phải đồng hành cùng với khói bụi, tiếng ồn và mùi khét lẹt từ các nhà máy.

“Cả khu phố này đều phải chịu mà không ai xử lý. Thật quá bất công cho chúng tôi. Sống mãi thế này khổ lắm. Chúng tôi già rồi không nói làm gì nhưng sức khỏe thế hệ sau rất có thể bị ảnh hưởng. Cháu nhà tôi mới 3 tuổi đã bị suy hai quả thận, không biết vì lý do gì”, ông Hào bức xúc nói.

Mỗi khi ống khói của nhà máy kiềm tính, nhà máy giấy hay nước thải của nhà máy thủy tinh lỏng xả ra, cả khu phố Tân Lập, Lý Nhân Tông đều ngập mùi ngột ngạt và khó chịu: “Mùi khó ngửi lắm, tôi cứ ngửi là đau đầu, nhiều hôm ngồi trong nhà cũng phải bịt khẩu trang, đóng cửa vẫn không ngăn được mùi. Các ông về xem thế nào mà xử lý cho chúng tôi chứ cứ như thế này khổ lắm”, chị Hà, một người dân khác ở khu phố Lý Nhân Tông chia sẻ.

Nhiều năm qua, người dân phường Đình Bảng luôn phải sống trong cảnh như bị tra tấn vì khói bụi, mùi ngột ngạt và tiếng ồn.

Chỉ dân ngửi thấy?

Trước thực tế hàng loạt nhà máy “đóng đô” trên địa bàn, người dân “chết mòn” vì khói bụi, mùi khí ô nhiễm, ông Nguyễn Tiến Doanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn cho biết, đó là thực trạng của nhiều năm về trước. Sau khi chính quyền địa phương yêu cầu các nhà máy xử lý nước thải, khí thải đảm bảo theo tiêu chuẩn thì tình trạng ô nhiễm đã được khắc phục và không thấy người dân phản ánh nữa.

Tuy nhiên, theo các hộ dân, tình trạng ô nhiễm khói bụi và mùi nhiều năm nay vẫn chưa thuyên giảm, đến nay họ vẫn phải sống chung với ô nhiễm dù đã kiến nghị nhiều lần.

“Dân nói ở dưới nhưng trên không nghe thấy nên không ai xuống giải quyết cho chúng tôi. Cứ nói là nhà máy đã xử lý rồi, chất thải không độc nhưng thực tế hàng ngày chúng tôi vẫn phải ngửi mùi khó chịu và đã phải chịu mười mấy năm nay”, ông Hào bức xúc nói - “Chúng tôi chỉ mong sớm được xử lý, trả lại môi trường trong sạch để người dân đỡ khổ”.

Theo vị lãnh đạo phường, trong tương lai gần chưa có kế hoạch di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng của các nhà máy này. Nhưng về lâu về dài, cũng sẽ phải di dời các xưởng sản xuất không đảm bảo môi trường ra điểm tập trung xa khu dân cư. “Nhưng để di dời không đơn giản chút nào, vì còn liên quan đến quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, địa phương cũng rất muốn nhưng thẩm quyền có hạn.

Nhưng tôi xin hứa trong nhiệm kỳ tới sẽ trình lên phương hướng di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư càng nhanh càng tốt để người dân phấn khởi”, ông Nguyễn Tiến Doanh, Chủ tịch HĐND phường Đình Bảng khẳng định.

Bắc Ninh vốn được mệnh danh là thủ phủ của các nhà máy gây ô nhiễm. Nhà máy chịu lửa kiềm tính cùng nhiều nhà máy, xưởng sản xuất khác được đặt trong lòng thị xã Từ Sơn, tại khu dân cư đông đúc, nhà cửa san sát, người dân thực không biết tác động môi trường từ họng khói, cống xả thải của các nhà máy có ảnh hưởng như thế nào, nhưng những gì tai nghe, mắt thấy, ngửi thấy đã quá rõ. Sự ô nhiễm đã gần như bủa vây cả khu phố Tân Lập, Lý Nhân Tông.

Và, trong khi chờ đợi những quyết sách của chính quyền thì ngày ngày, ông Hào vẫn phải đi xa hàng cây số để tập thể dục, nhà ông Sơn không còn đất để trồng thêm cây xanh, các hộ dân phường Đình Bảng vẫn phải đau đầu, khó thở và bịt khẩu trang ngay cả khi... ngồi trong nhà.

Trước đó, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã đưa tin theo phản ánh, việc Nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam - thuộc Công ty Xi măng Hoàng Thạch, đóng trên địa bàn phường Đình Bảng là một trong những nguồn cơn khiến người dân lo ngại về vấn đề môi trường. Nhà máy này tọa lạc trong khuôn viên đất rộng khoảng 4,1ha, nằm sát các nhà máy, xưởng sản xuất và khu dân cư.

Người dân khu phố Tân Lập cho biết, nhiều năm qua họ phải sống trong cảnh bị tra tấn vì mùi khó chịu từ nhà máy kiềm tính, đặc biệt là vào đợt gió mùa Tây Nam. Người dân chia sẻ, cùng với mùi nồng nặc, họ còn cảm thấy khó thở, đau họng. Thậm chí, đêm ngủ người dân còn phải sử dụng khăn ướt đắp lên mặt.

Còn người dân sống tại khu tập thể Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản thì cho biết, mỗi khi gió Đông Bắc thì người dân sinh sống tại đây cũng chịu cảnh tra tấn như ở khu phố Tân Lập.

Theo tìm hiểu, trước đây khoảng hơn 10 năm, thế giới thường dùng loại gạch chịu lửa kiềm tính Magiê - Crôm (Mg-Cr). Nhưng sau đó, do phát hiện ra gạch Magiê - Crôm là loại vật liệu rất độc hại, có khả năng gây ung thư rất mạnh cho nên thế giới đã cấm sản xuất và sử dụng loại gạch Mg-Cr.

Ở nước ta, Nhà nước cũng đã khuyến cáo không sản xuất và sử dụng loại gạch Mg-Cr từ hơn 10 năm nay. Hiện nay, Nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam đang sản xuất loại gạch kiềm tính là Mg-Spinel cũng là gốc Mg.

Nhiều chuyên gia đánh giá, về loại gạch kiềm tính là Mg-Spinel, chưa có nghiên cứu nào công bố liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và cộng đồng hay không. Thế nhưng, với hai loại gạch kiềm tính cùng gốc Mg, thì không ai có thể kết luận là gạch Mg-Spinel là vô hại?

Trong khi đó, nhà máy gạch kiềm tính này lại được đặt trong lòng thị xã Từ Sơn, tại khu dân cư đông đúc, nhà cửa san sát. Người dân đặt câu hỏi, ai có thể đánh giá được tác động của nhà máy đối với cộng đồng dân cư?

Những lo ngại trên của người dân không phải là không có cơ sở, khi mới đây đã xảy ra hàng loạt các vụ cháy nổ tại các nhà máy, nhà xưởng nằm giáp khu dân cư. Việc này đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên vụ cháy tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (TP. Hà Nội) vào ngày 28/8/2019. Vụ cháy đã gây thiệt hại lớn về tài sản của công ty, người dân và tác động tiêu cực đến môi trường. Thậm chí, nhiều ngày sau vụ cháy, các cấp chính quyền đã phải vào cuộc khắc phục vấn đề môi trường tại khu vực nhà máy bị cháy.

Báo chí cũng đưa tin, theo một kết quả quan trắc không khí tại khuôn viên phía trước khu vực đám cháy, nhà kho của Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông bị cháy, nồng độ thủy ngân (thủy ngân được lưu trữ trong nhà máy bị cháy) trong mẫu không khí được lấy cao vượt ngưỡng 10 - 30 lần theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Đây là ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người.

Trao đổi nhanh với phóng viên về những phản ánh của người dân phường Đình Bảng, một lãnh đạo thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, trước đó tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều người dân đã có ý kiến phản ánh về vấn đề đất đai, môi trường từ việc các nhà máy, nhà xưởng sản xuất trên địa bàn. Theo chủ trương, các cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn sẽ chuyển dần sang đô thị, nhưng theo lộ trình từng giai đoạn.

“Nhà máy này (Nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam - PV) thuộc tổng công ty, không thuộc địa phương. Thực ra tại các đợt tiếp xúc cử tri, người dân có kiến nghị các vấn đề về đất đai, môi trường. Mỗi lần đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, người dân cũng đều phản ánh về vấn đề tiếng ồn, không khí,… Qua ý kiến phản ánh của báo chí, thị xã cũng sẽ tổng hợp để kiến nghị tỉnh và sau đó tỉnh kiến nghị các ngành”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Theo Liên Liên - Trần Tiến/Đô Thị Mới