Ngày 23/6, xét đề nghị của Sở Công thương, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận việc tổ chức "Sự kiện ngày không dùng tiền mặt Hà Nội 2020".

Theo đó, người tiêu dùng có thể không phải dùng tiền mặt khi mua bất cứ hàng hóa nào.

Từ tháng 8- 12/2020, người dân không phải thanh toán bằng tiền mặt khi mua hàng hóa.

Theo UBND TP Hà Nội, việc thanh toán bằng hình thức điện tử sẽ tạo thuận lợi cho thương mại gắn với chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế.

Ngoài ra, hình thức thanh toán này cũng kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp và cơ quan liên quan về thanh toán không dùng tiền mặt với khu trưng bày quảng bá sản phẩm.

Dự kiến, sự kiện ngày không dùng tiền mặt sẽ diễn ra từ tháng 8 – 12/2020.

UBND Thành phố giao Sở Công Thương chỉ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai đảm bảo đúng đối tượng, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của Trung ương và Thành phố.

Những năm gần đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh.

Theo khảo sát của Bộ Công thương, với tổng dân số hơn 90 triệu dân tại nước ta, trong năm 2015 đã có khoảng 45% người dùng internet, trong đó có khoảng 34% người dùng di động để truy cập internet.

Cũng đến năm 2015, hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trong cả nước cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khi mua hàng.

Tính đến cuối tháng 6/2016, trên toàn quốc có trên 17.300 ATM và hơn 239.000 POS được lắp đặt.

Điều này cho thấy, xu hướng sử dụng thẻ trong thanh toán của người Việt ngày càng phổ biến.

Trên thực tế, theo ghi nhận của PV, hện nay, các ngân hàng đã cung cấp khá tốt các tiện ích cơ bản trên ngân hàng điện tử như: Chuyển khoản, thanh toán hóa đơn dịch vụ điện, nước, internet, điện thoại, truyền hình cáp, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến, đóng phí bảo hiểm…

Theo Bảo Loan/Gia đình & Xã hội