Ngày 23/3, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc sau khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng giá thuốc điều trị sốt rét chứa Chloroquin/Hydroxychloroquin tăng cao do người dân tự ý đi mua thuốc khi có thông tin thuốc trên được sử dụng để điều trị bệnh Covid-19.
Cục Quản lý dược khuyến cáo việc người dân tự ý mua thuốc chứa hoạt chất Chloroquin/Hydroxychloroquin để điều trị, dự phòng Covid-19 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Đây là các thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định, theo dõi và hướng dẫn của thầy thuốc để phòng ngừa hoặc điều trị sốt rét cấp tính, diệt amíp ngoài ruột, điều trị viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, phản ứng dị ứng với ánh sáng (da nhạy cảm với ánh sáng)… Các thuốc này chưa có chỉ định để điều trị Covid-19 do Bộ Y tế phê duyệt, vì vậy, người dân tuyệt đối không mua, tích trữ và sử dụng để điều trị, dự phòng Covid-19.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc không được tăng giá bán; không găm hàng, tích trữ gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường đối với các thuốc có chứa hoạt chất Chloroquin/Hydroxychloroquin và các thuốc khác trong danh mục thuốc phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, chỉ được bán thuốc chứa hoạt chất Chloroquin/Hydroxychloroquin và các thuốc kê đơn khi người mua có đơn thuốc theo quy định.
Với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm việc bán thuốc kê đơn và các biện pháp quản lý giá thuốc. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc kinh doanh của các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).
Khuyến cáo được đưa ra sau khi Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống 10 viên thuốc chloroquin để phòng bệnh Covid-19.
Cụ thể, ngày 7/3, bệnh nhân V.V.T ( Đan Phượng, Hà Nội) đã uống 10 viên thuốc chloroquin 250mg để phòng dịch Covid-19 và mua dự trữ ở nhà 100 viên. Sau uống khoảng 30 phút, anh T thấy da mặt đỏ, cảm giác nóng, kèm theo mệt mỏi tăng dần, run tay chân, nhìn mờ. Anh T được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Đan Phượng rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã xác nhận đây là trường hợp đầu tiên được cơ quan y tế ghi nhận bị ngộ độc thuốc sốt rét do người dân tự uống với mục đích phòng Covid-19. Cũng may bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên đã được xuất viện và không để lại hậu quả đáng tiếc.
Đây không phải trường hợp đầu tiên uống thuốc chloroquin 250mg để điều trị Covid-19. Trước đó, giới chức y tế Nigeria đã đưa ra cảnh báo về việc sử dụng thuốc chloroquine, loại thuốc đặc trị bệnh sốt rét, sau khi có 3 người dân tại thủ đô Lagos bị ngộ độc sau khi sử dụng quá liều loại thuốc này.
Còn tại thành phố Phoenix bang Arizona, Mỹ, một người đàn ông đã tử vong còn vợ của người này đang nguy kịch sau khi họ sử dụng thuốc chloroquine để tự điều trị virus corona.
Ngày 23/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra cảnh báo về việc sử dụng những loại thuốc “chưa được kiểm chứng” để điều trị Covid-19 sẽ dẫn đến những “hy vọng vô căn cứ”.
WHO khẳng định hiện không có vắc xin hoặc thuốc đặc trị được phê duyệt cho Covid-19, dù các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm những loại dược phẩm có sẵn, chẳng hạn thuốc điều HIV/AIDS… Đa số bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh là nhờ vào phác đồ điều trị và chăm sóc tích cực.