Ngày 3/4, các bác sĩ của bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết đã cấp cứu thành công cho bệnh nhân nữ 58 tuổi bị sốc phản vệ độ 3 sau khi ăn trứng kiến.

Bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng do ăn trứng kiến đã bình phục. Ảnh: Thanh niên

Bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng do ăn trứng kiến đã bình phục. Ảnh: Thanh niên

Theo người nhà của bệnh nhân, khoảng 1 giờ trước khi vào viện, người bệnh có ăn trứng kiến, sau ăn có hiện tượng nổi mẩn đỏ toàn thân, đau bụng nhiều và nôn.

Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định đây là trường hợp người bệnh bị sốc phản vệ rất nặng, bệnh nhân may mắn được cấp cứu kịp thời.

Các bác sĩ điều trị chia sẻ, những trường hợp như trên, người bệnh nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ phù thanh quản, suy hô hấp và nguy cơ tử vong rất cao.

 

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã chia sẻ trên Trí thức trực tuyến về bản chất trứng kiến. Đây là loại ấu trùng nhỏ và cũng như trứng ong, nhộng tằm nên có giá trị dinh dưỡng rất tốt. Tuy nhiên, tính chất dược lý của trứng kiến đến đâu chưa có bất kỳ công trình khoa học nào nghiên cứu.

Do chưa nghiên cứu nên cũng không thể khẳng định về tính độc hại (nếu có) của trứng kiến. Tuy nhiên, đây là loài động vật hoang dã khi làm tổ chúng hay tiết ra độc tố để bảo vệ con non theo nguyên tắc bảo tồn động vật. Do đó, axit có trong kiến thì cũng có thể có trong trứng. Người sử dụng không loại trừ khả năng ăn phải độc tố này.

Theo ông, để đưa ra bất kỳ giá trị nào của trứng kiến cần phải nghiên cứu về mặt lâm sàng, dược lý. Vì vậy, các chuyên gia sẽ không thể khuyên chúng ta dùng trứng kiến để chữa bệnh hoặc bồi bổ vì chưa có cơ sở khoa học.

Phần lớn tác dụng của trứng kiến là do truyền tai nhau chứ chưa hoàn toàn được kiểm chứng. Do đó, không thể khẳng định trứng kiến tốt cho trẻ em, người già hay bản lĩnh đàn ông...

M.H (th)

Theo Giadinh.net.vn