Nhập viện vì nước râu ngô, nước vối
Bệnh nhân Nguyễn Thị H. 68 tuổi điều trị ngoại trú thường xuyên tại khoa Nội Tim Mạch, Bệnh viện Đức Giang. Thời gian gần đây do nghe nói râu ngô có tác dụng tốt với bệnh tăng huyết áp, nên chị H. đã đun và chưng cất nước râu ngô để uống thay nước.
Chị dùng khoảng 30 kg để nấu được 6 lít nước râu ngô và dùng để uống thay nước trong ngày. Sau 10 ngày sử dụng, bất ngờ bệnh nhân thấy mệt mỏi, đi tiểu nhiều, chuột rút chân tay, mỏi mệt, huyết áp hạ thấp, chóng mặt.
Người nhà đưa chị khám tại phòng khám Nội Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thì phát hiện bệnh nhân hạ Kali máu nặng. Ngay lập tức bệnh nhân đã được bù Kali theo phác đồ, các triệu chứng nguy hiểm mất đi và cơ thể trở lại bình thường sau khi truyền đủ kali.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng - Khoa Nội Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh viện cũng tiếp nhận vài trường hợp bệnh nhân nhập viện sau khi dùng nước vối, nghi ngờ do ảnh hưởng của nước vối đối đặc làm tăng tác dụng của thuốc kháng vitamin K (Sintrom) trong cơ thể.
Cụ thể, khoa Nội Tim Mạch tiếp nhận 2 trường hợp quá liều chống đông thuốc kháng Vitamin K. 2 trường hợp này là bệnh nhân Nguyễn Thị Th. có tiền sử van 2 lá sinh học và Trần Văn L. tiền sử đột quỵ não, rung nhĩ.
Những bệnh nhân trên đều tuân thủ chế độ ăn nghiêm ngặt khi sử dụng thuốc kháng vitamin K, chưa từng xuất hiện quá liều chống đông trong vòng 6 đến 10 năm qua.
Tuy nhiên, sau khi được mọi người mách bảo công dụng của nước vối đã tự mua nụ vối về sắc thành nước đặc uống thay nước trong ngày.
Sau thời gian khoảng 1 tháng các bệnh nhân xuất hiện các mảng đám xuất huyết trên da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi... đã được cấp cứu tại khoa Nội Tim Mạch với chẩn đoán quá liều thuốc chống đông nhóm kháng vitamin K.
Bác sĩ Thắng cho biết: "Những bệnh nhân này đã được điều trị cấp cứu quá liều chống đông theo phác đồ hiện đã ổn định và xuất viện. Do đó, có khả năng nước vối đặc đối làm tăng khả năng và tác dụng chống đông của thuốc kháng Vitamin K. Do đó, các bác sĩ lâm sàng cần phải để ý, nhắc nhở bệnh nhân.
Nước vối, râu ngô: Uống sao cho đúng?
Nước vối, râu ngô là 2 loại nước uống dân dã không chỉ có vai trò cung cấp nước, mà còn cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất kháng khuẩn tự nhiên tốt cho người tăng huyết áp.
Trong đó, râu ngô có chứa vitamin A, vitamin K, vitamin B1, B2, B6 (pyridoxin), vitamin), vitamin C, vitamin PP, các flavonoid, acid pantothenic, isotol, các saponin, các steroid như sytosterol và sigmasterol,các chất đắng, dầu béo,vết tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác.
Râu ngô có tính lợi tiểu và giãn mạch tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp. Với lượng thấp và phù hợp, phối hợp thêm với ngưu tất, hoa hòe, cỏ ngọt, câu đằng, râu ngô sắc nước uống hàng ngày, điều này sẽ giúp huyết áp bệnh nhân THA dần thuyên giảm và tiến tới ổn định.
Còn với nước vối, theo Đông y, lá vối có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa, chống đầy hơi, khó tiêu. Chất đắng trong lá vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột.
Tinh dầu trong lá vối có tính kháng khuẩn nhưng không gây hại vi khuẩn có ích trong ruột. Dùng thường xuyên nước lá vối có tác dụng điều trị bệnh tích cực, làm tan uric, dễ dàng đào thải ra bên ngoài.
Do đó, nước lá vối có tác dụng phòng ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh gút. Ngoài ra, uống nước lá vối còn có tác dụng bình ổn đường huyết lâu dài, hạn chế đường huyết tăng sau ăn ở bệnh nhân đái tháo đường, hỗ trợ giảm mỡ máu, chống oxy hóa, bảo vệ tổn thương tế bào beta tuyến tụy, phòng tránh đục thủy tinh thể ở bệnh nhân đái tháo đường. Cây vối thường được lấy lá, nụ để nấu nước uống.
Theo Lương y Bùi Hồng Minh, mặc dù nước vối là đồ uống rất tốt nhưng không có nghĩa là tận dụng uống thật nhiều mỗi ngày.
Nhiều người thậm chí còn sử dụng nước vối để uống thay nước lọc hàng ngày thì càng không tốt cho sức khỏe. Muốn uống nước vối để hỗ trợ cơ thể khỏe mạnh cần tuân thủ những điều sau:
Không uống nước vối khi đói hoặc uống nước vối quá đặc
Nước vối có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, chống đầy bụng, ăn ngon miệng, thanh lọc chất độc. Do đó, uống nước vối khi đói sẽ làm nhu động ruột hoạt động nhiều, gây cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, sa sầm mặt mày, mất năng lượng. Đây cũng là biểu hiện của tụt huyết áp do đói.
Không nên uống nước lá vối tươi
Do có tính kháng khuẩn mạnh nên việc dùng lá vối có thể ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Trong thực tế, nhân dân ta thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm. Nói như vậy để thấy tính kháng khuẩn, kháng viêm cực mạnh của lá vối tươi
Mỗi ngày chỉ nên uống một ly hoặc một ấm nước vối
Mọi người có thể dùng lá hoặc nụ vối với liều lượng khoảng 1 ấm nước lá vối/1 ngày hoặc một ly nước lá vối/1 ngày là được. Không nên uống nhiều quá vì sẽ không tốt cho hệ bài tiết.
Chuyên gia khuyên, bạn cũng không nên uống nước vối quá nhiều sau khi ăn có thể gây cản trở hấp thu dưỡng chất, nếu pha loãng thì không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không uống nước râu ngô pha quá đặc, trong thời gian dài
Do râu ngô có tính lợi tiểu và giãn mạch do đó người tăng huyết áp sẽ có nguy cơ bị tụt huyết áp, đặc biệt gây mất nước và rối loạn điện giải do đi tiểu quá nhiều.
Thời gian qua, trong thời gian qua chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân do không hiểu hết về cách sử dụng 2 đồ uống loại trên đã dẫn đến những biến cố đáng tiếc.
Như vậy, có thể khẳng định nước uống được sắc, pha từ hai loại thảo dược trên là thức uống có lợi khi người uống pha chế với lượng phù hợp. Sẽ gây hại hoặc tác dụng không mong muốn thậm chí ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng khi sử dụng ở nồng độ đậm đặc.