Vùng bạt ngàn những cánh đồng hoa...

Vùng bạt ngàn những cánh đồng hoa...

Tôi đang có mặt ở một vùng đất cổ. Ở đó mỗi xen ti mét đất đều chứa đựng những câu chuyện. Nói một cách khác, vùng đất cổ châu thổ Bắc Bộ này được chồng lên theo lớp lang hết tầng này đến tầng khác, thời này qua thời khác những câu chuyện lịch sử từ quá khứ đến hiện tại. Tôi bước khẽ khàng trên vùng đất linh thiêng như để những câu chuyện của tầng tầng lớp lớp lịch sử qua các thời kỳ được vẹn nguyên và không vỡ vụn ra do sự vô tình của con người.

Một vùng bạt ngàn những cánh đồng hoa. Nhìn cánh đồng hoa hiểu sự vất vả cần mẫn của người trồng, từng bông hoa trong bạt ngàn hoa, không bông nào bị bỏ rơi. Chúng được cuộn lại cẩn thận trong một lớp giấy bảo quản, đủ độ để phát triển và đủ độ đến tay người thưởng thức vào lúc tươi tắn rực rỡ nhất. Phải yêu hoa lắm mới làm được như thế. Hương hoa dịu nhẹ tạo cảm giác lãng mạn bay bay, cái cảm giác khó mà tìm thấy chốn bon chen đông người. Đây là làng hoa nổi tiếng từ vài chục năm nay, cung cấp đủ các loại hoa cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Giữa thiên nhiên bao la và ngọt ngào ấy, con người như muốn hòa tan cùng đất trời, lẫn vào lịch sử vùng đấtthơm này.

Chúng tôi đến cổng đền Hai Bà Trưng. Bây giờ là lúc ngắm cận cảnh những bông hoa đẹp nhất của làng hoa. Hoa ly thơm và đài các, hoa hồng tỷ muội đủ màu e ấp, hoa cúc vàng giàu sang phú quý, hoa hướng dương thành đạt... Khó ai có thể rời mắt khỏi những đóa hoa đủ màu sắc và cũng khó ai rời đi mà không nâng trên tay một bó hoa với sự hoan hỉ hạnh phúc.

Đền Hai Bà Trưng

Đền Hai Bà Trưng

Sân đền rộng rãi, hai hàng voi đứng xếp hàng ngay ngắn. Những ông voi đã đi theo Hai Bà xông pha trận mạc. Sau hàng ngàn năm, những ông voi lại hiện diện đứng yên, hiền lành lặng lẽ làm nhiệm vụ tiêu binh danh dự cho nơi yên nghỉ của 2 nữ tướng. Thấp thoáng bóng áo dài tím thướt tha của các cô hướng dẫn viên, Một người phụ nữ trung niên, uy phong lẫm liệt trong chiếc áo dài màu vàng của lễ hội đang sang sảng đọc trước án thờ lời thề nổi tiếng:

Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng

Có phải những người phụ nữ đó, hậu duệ của Hai Bà, vẫn hiển hiện trên vùng đất cổ này. Uy phong uy vũ của Hai Bà vẫn nguyên đó. Đủ để sang sảng dũng khí và đủ để duyên dáng dịu dàng tô điểm một nét độc đáo cho đất Mê Linh. Chuyện của nghìn năm trước như hiển hiện trước mắt. Mọi lý thuyết về thời gian, về khoảng cách không còn đúng nữa nếu bạn đứng ở sân đền, giữa một không gian rộng lớn và tâm hồn bạn hòa nhập vào đất trời, trở thành một phần nhỏ bé của vùng đất linh thiêng bi tráng hào hùng Mê Linh. Thành cổ Mê Linh xưa giờ đâu? bước chân của những ông voi, cụ voi xưa giờ đâu? Những trang sử vàng của quá khứ vang mãi đến hôm nay. Hoa vẫn thơm ngát nơi cánh đồng và trên tay những người phụ nữ. Hoa thơm bởi bàn tay chăm sóc của người trồng, bởi sự thư thái an lành của những con người đang sống trên mảnh đất này. Đất và người nơi đây là biểu trưng về sức sống mãnh liệt ngàn đời của người Việt. Dường như người Việt cổ đã gửi lại tất cả những tinh hoa, khí phách và phẩm chất tốt đẹp cho người của thời hiện tại trên mảnh đất hùng thiêng cổ kính.

Chùa Trung Hậu

Chùa Trung Hậu

Rời khỏi làng hoa trong niềm tiếc nuối nhè nhẹ, chúng tôi đến chùa Trung Hậu mà theo chiết tự thì đó là ngôi chùa của trung nghĩa và phúc hậu. Chùa là nơi giữ hồn làng, nơi dân làng tìm niềm an lạc tinh thần, nơi người đi xa nhớ về và hướng tới. Chùa Trung Hậu là một ngôi chùa như thế. Chùa thuộc thôn Trung Hậu của xã Tiền Phong. Một không gian thanh bình tĩnh mịch, một thế giới của cỏ cây hoa lá. Những vướng bận cuộc đời, những bon chen phiền muộn không còn nữa khi du khách bước chân qua cổng chùa. Về với Trung Hậu là về với niềm an lạc trong tư tưởng, về với sự vô thường của cõi Phật. Sự an lạc đó được thể hiện trên khuôn mặt an nhiên của mấy nữ phật tử. Sự an lạc đó cũng đến với bạn khi thắp nén tâm nhang cầu an và đi một vòng ngắm vườn lan tỏa sắc, ngắm hoa súng giữa hồ. Bất chợt bắt gặp tấm bia chiến thắng ghi lại chiến công của du kích địa phương, chứng tích của chiến dịch trung du năm 1952 – 1953 chống Pháp trên vùng đất Vĩnh Yên, Phúc Yên.

Nếu bạn muốn ngắm những cảnh sắc bóng bẩy, những không gian được tô điểm chau chuốt, những tòa nhà cao tầng sang trọng thì đền Hai Bà Trưng và chùa Trung Hậu không phải là lựa chọn. Nhưng có một ngày bạn mệt mỏi với những bon chen và lo toan, có một ngày bạn muốn tìm về với thiên nhiên và sự tĩnh tại, bạn muốn đến với những cảm xúc trong lành và an nhiên thì những địa danh trên sẽ cho bạn tất cả. Ở đó, bạn sẽ thỏa sức đi tìm những gì an lạc nhất trong tâm hồn.

 

 

Theo dulich.reatimes.vn