Theo số liệu từ Ủy ban chứng khoán, có khoảng 60.000 tỷ đồngtrái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành trong nửa đầu năm nay. Báo cáo của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, con số này khoảng 70.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn một phần ba lượng phát hành thuộc về nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Giới quan sát cho rằng, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp địa ốc đã có cuộc đua phát hành trái phiếu đầy cạnh tranh khổng chỉ là sự gia tăng về quy mô những đợt phát hành mà mức lãi suất cũng lên cao đột biến. Trong khi phát hành trái phiếu của các nhà băng chỉ dao động quanh ngưỡng 7 - 8%, thì trái phiếu những doanh nghiệp bất động sản chào lãi suất 11 - 13%, cá biệt có những đợt phát hành gần 14,5%.

Nhiều đánh giá cho rằng, cuộc chạy đua phát hành trái phiếu xuất phát từ nhu cầu huy động vốn. Theo đó, kể từ thời điểm cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 36. Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đưa ra dự thảo mới, thay thế Thông tư 36, đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản với nội dung: Giảmtỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng trị giá trên 3 tỷ đồng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trước bối cảnh thắt chặt tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu về nguồn vốn để phát triển dự án gia tăng, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã nhanh chóng lên chiến lược đa dạng hóa các kênh huy động vốn. Chiến lược phát hành trái phiếu là xu hướng tất yếu của nhiều doanh nghiệp.

Tại Tọa đàm “Đón sóng cổ phiếu Bất động sản, Xây dựng cuối năm 2019” diễn ra tại TP.HCM ngày 30/07, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trong lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu tăng lên chiếm 27% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành (tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành 67.000 tỷ đồng). Điểm đặc biệt, có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết, trái phiếu doanh nghiệp là công cụ cho các doanh nghiệp quy mô lớn. Công cụ vốn dài hạn là trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản phải tính đến.

Ông Hiển đặt vấn đề: “Thực tế, trái phiếu không phải là sân chơi của nhà đầu tư cá nhân. Tại sao những năm 2014 – 2017 các doanh nghiệp bất động sản không phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tại sao đến lúc khó khăn mới phát hành trái phiếu?".

Ở góc nhìn khác, chuyên gia tài chính, TS. Bùi Quang Tín cho hay, chưa bao giờ thị trường tài chính lại có cơ hội để tạo ra nhiều kênh dẫn vốn cho nền kinh tế như hiện nay. Việc tiếp cận vốn ngân hàng khó đối với từng phân khúc, từng chủ đầu tư, nhưng điều này lại mở ra kênh tiếp cận vốn mới cho các doanh nghiệp.

Vì thị trường tài chính không chỉ có ngân hàng mà còn có thể huy động vốn từ thị trường chứng khoán, và các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu, cổ phiếu.

Hiện có tới 70 - 80% dòng vốn là ngắn hạn chảy vào ngân hàng, do đó cho vay trung dài hạn sẽ rủi ro đối với ngân hàng.

"Do đó, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể huy động vốn bằng phát hành trái phiếu, hay phát hành cổ phiếu, đây chính là “điểm tựa mới” cho doanh nghiệp bất động sản làm sao có vốn trung, dài hạn chứ không chỉ là vốn ngắn hạn từ ngân hàng", ông Tín nói.

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/vi-sao-den-luc-kho-khan-doanh-nghiep-dia-oc-moi-phat-hanh-trai-phieu-38075.html 

Theo Tạp Chí Điện Tử Reatimes