Nước dừa từng được truyền tĩnh mạch
Ông Nguyễn Văn Hải (Bắc Ninh) vốn là cựu chiến binh thời chống Mỹ nghe tin cháu nội ốm sốt, mẹ bé vay tiền cho con nằm viện và truyền mấy chai nước... Ông bảo mua mấy quả dừa và kim dây truyền về để ông truyền trực tiếp cho cháu nội cho rẻ.
Mẹ bé nghe nói giãy nảy không đồng ý, ông Hải bảo hồi là bộ đội đóng quân ở Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều dừa. Quả dừa có hàm lượng lớn kali nên mỗi khi anh em bị thương, hay tiêu chảy đau ốm mà không có dịch truyền, bác sĩ và y tá vẫn dùng nước dừa truyền tĩnh mạch trực tiếp cho anh em.
Theo Thầy thuốc ưu tú, Đại tá - Bác sĩ Quách Tuấn Vinh (Giám đốc Trung tâm Cấy chỉ phục hồi chức năng Minh Quang, phố Lý Nam Đế, Hà Nội), trong thời kỳ chiến tranh có áp dụng truyền nước dừa cho bệnh nhân, hoặc dùng làm nước điện giải trong những trường hợp bị mất nước, làm dịch truyền ở nơi không có nước muối y khoa nhưng lại sẵn dừa.
Nhưng truyền nước dừa trực tiếp vào cơ thể là chuyện của ở thế kỷ trước. Còn ngày nay các phương tiện cấp cứu y tế đầy đủ và tối ưu hóa, các loại dịch truyền được sản xuất, đóng gói vô trùng, ghi rõ hàm lượng các chất trong dịch truyền… nên không ai truyền nước dừa trực tiếp vào cơ thể người nữa.
Nước dừa rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Công dụng của nước dừa
Giá trị dinh dưỡng trong quả dừa rất cao, vị rất thơm ngon, dễ uống và không ngấy nên rất được ưa chuộng. Trong thành phần của nước dừa rất giàu protein, carbohydrate, các loại vitamin và khoáng chất, kali, canxi, chloride các yếu tố chống ô xy hóa, phục vụ như là một cách chữa bệnh tự nhiên cho một số bệnh, còn được coi là thức uống thể thao tự nhiên.
Lương y quốc gia Nguyễn Anh Đào (nguyên bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội) chia sẻ, Đông y cũng cho nước dừa vị ngọt mát, tính bình, có tác dụng tiêu khát, lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc, cầm máu, giải khát tự nhiên, không chứa chất béo… Nước dừa có nhiều chất bổ dưỡng chữa sốt nóng, sởi, tiêu chảy, kiết lỵ, đau dạ dày. Có thể lấy nước dừa trong điều kiện vô khuẩn thay dung dịch truyền và pha chế thuốc.
Nước dừa tươi chứa kali và magiê có thể hạ thấp mức huyết áp đáng kể, ngăn ngừa được nhiều bệnh liên quan huyết áp, tim mạch, huyết áp cao có thể bị đau tim và đột quỵ, giảm lượng đường huyết... Nước dừa vào cơ thể và giúp duy trì chất điện giải và cân bằng nước, giúp giảm cân, đẩy lượng nước dư thừa và chất độc hại ra khỏi cơ thể. Các Carbohydrate và muối có thể giúp tiêu hóa dễ dàng, chống mất nước cho bệnh nhân bị tiêu chảy, nôn và buồn nôn (nhất là ở trẻ em và người già), cung cấp năng lượng tức thời cho người chơi thể thao, tái phục hồi năng lượng sau khi tập thể dục, giảm huyết áp, phòng và hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết, giúp tiêu hóa thức ăn nhanh, đốt mỡ dư thừa nhanh hơn...
Nước dừa cũng được dùng để thay thế sữa (cho người không ăn được sữa vẫn nhận được vitamin và khoáng chất cần thiết. Thành phần acid lauric trong nước dừa có thể kháng khuẩn, vi trùng, virus, nấm nên giúp đẩy lùi các vi khuẩn xâm nhập vào dạ dày, ngăn ngừa cảm cúm, cảm lạnh, đau họng cũng như một loạt các triệu chứng đau ốm khác.
Nước dừa hỗ trợ chữa rất nhiều bệnh, nhưng dùng nước dừa bệnh nhân vẫn cần tới cơ sở y tế để kịp thời chữa bệnh. Ảnh minh họa.
Nước dừa cũng là một lựa chọn bù nước đường uống khả thi và tiết kiệm nhất cho các bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột, làm dịu niêm mạc dạ dày và giảm lượng axit, phòng ngừa các biến chứng dạ dày.
Nước dừa còn được xem như cách chăm sóc da tóc khỏe mạnh tự nhiên tại nhà, giúp ngừa các bệnh về da, tóc. Còn thúc đẩy giảm cân hiệu quả, duy trì mức cân nặng hợp lý nếu ăn uống hàng ngày. Quả dừa còn tốt cho tiêu hóa dễ dàng, có khả năng kháng khuẩn gây đầy bụng, khó tiêu trong dạ dày. Các nhà khoa học tìm thấy có nhiều chất chống oxy hóa trong nước dừa giúp ngừa ung thư, lão hóa da, thị lực kém, các vấn đề xương cốt...
Quả dừa giàu a xít glutamic – giúp tăng khả năng ghi nhớ của tế bào não, vì vậy nên cho trẻ em uống thường xuyên nước dừa tự nhiên để tăng khả năng học tập, giảm căng thẳng và giữ tâm trạng tốt hơn.
Nhưng nước dừa chỉ có tác dụng hỗ trợ, người bệnh vẫn cần tìm đến các cơ sở y tế để bác sĩ kịp thời chữa trị bệnh.
Cách uống nước dừa
Nước dừa là loại thức uống thích hợp với nhiều người và mọi thời tiết. Nếu muốn giải khát bằng nước dừa cần ngồi nghỉ ngơi trước để cơ thể hồi phục năng lượng rồi hãy uống nước dừa và không nên uống quá nhiều.
Người đang sốt thấy khát rất nên uống nước dừa tươi thay nước, ăn cả cùi trắng là tốt nhất.
Có thể uống nước dừa thường xuyên, ngày nắng nóng có thể uống 3-4 quả/ngày. Nhưng không nên uống nước dừa ngay sau khi đi nắng về vì sẽ gây ớn lạnh, đầy bụng, phát sốt...
Uống nước dừa từ từ (không nên pha đá hoặc kèm các hóa chất khác). Nhưng có thể cho thêm muối vì nước dừa có đủ hàm lượng kali, glucose nhưng thiếu hàm lượng natri và clorua, thêm nhúm muối vào nước dừa để bù đắp sự thiếu hụt này.
Lưu ý khi sử dụng nước dừa
Đi ngoài trời nắng về uống nước dừa từng chút một (tránh uống quá nhiều vì sẽ bị ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt hoặc sốt cao).
Không uống nước dừa sau khi vừa thi đấu thể thao, hoặc lao động nặng ngoài trời vì chân tay bải hoải, giảm bớt sức dẻo dai, phản xạ kém nhanh nhẹn.
Không nên lạm dụng nước dừa gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Không uống hơn 3 - 4 trái và uống liên tục nhiều ngày.
Không uống nước dừa lạnh vào buổi tối vì bị đầy bụng.
Những người không nên uống nước dừa
- Người thể tạng thuộc âm (da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, mát, tay chân lạnh, ăn uống chậm tiêu, ăn ít, ít khát nước, thích uống ấm, dễ bị tiêu chảy, phân mềm, người nặng, bải hoải, chậm chạp...
- Người bị bệnh trĩ, huyết áp thấp, thấp khớp…không nên uống nước dừa.
- Phụ nữ có thai khi uống nước dừa cần có bác sĩ sản khoa tư vấn.