Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, ngăn ngừa, hạn chế các thiệt hại có thể phát sinh trong quá trình cung ứng, sử dụng dịch vụ thẻ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư số 41 năm 2018 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, trong đó nêu rõ lộ trình chuyển đổi sang công nghệ chip đối với các thẻ từ nội địa và thiết bị chấp nhận thẻ đang hoạt động tại Việt Nam.

Tại thông tư số 19 năm 2016 quy định hoạt động thẻ ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung), Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp (thẻ nội địa) đang lưu hành tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Đồng thời, từ ngày 31/3, các tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ nội địa đang lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Phát biểu tại tọa đàm “Phát triển hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt – Khai thác giá trị gia tăng thẻ nội địa”, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Napas nêu 4 lý do để người dân nên thực hiện chuyển thẻ từ ngân hàng sang thẻ chip trong thời gian sớm nhất.

Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip phản ánh xu hướng chung của thế giới. (Ảnh minh họa)
Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip phản ánh xu hướng chung của thế giới. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, thẻ chip nội địa tiêu chuẩn VCCS tiên tiến sử dụng vi mạch chip để lưu giữ thông tin trên thẻ, giảm thiểu giao dịch giả mạo, gian lận do chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được dữ liệu trong thẻ, ưu điểm nổi trội so với thẻ từ.

Thứ hai, thẻ chip được thanh toán tiện dụng hơn, đem lại sự thoải mái trong việc sử dụng cho khách hàng. Ngay từ đầu khi xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip, Napas đã rút kinh nghiệm từ các thị trường khác ngay, khuyến nghị ngân hàng nên phát hành thẻ kép vừa tiếp xúc và không tiếp xúc, tạo ra phong cách tiêu dùng mới.

Thực tế, thẻ chip chi tiêu tiện hơn nhiều so với tiền mặt vì tiền mặt phải quản lý còn ở đây với giao dịch giá trị nhỏ, tham số dưới 1 triệu đồng khuyến nghị ngân hàng chỉ cần thẻ và kết thúc giao dịch không cần nhập mã pin... Rõ ràng tiện lợi dùng thẻ hơn nhiều so với tiền mặt, một khi chuyển đổi đạt tỷ lệ nhất định tạo ra phong cách tiêu dùng mới trở thành cú hích để người dân chấp nhận thẻ rộng rãi hơn.

Thứ ba, trên nền tảng thẻ chip có thể phối hợp để đa dạng hóa dịch vụ như vừa qua đã hợp tác với Vinbus để hỗ trợ thanh toán điện tử trên Vinbus. Bên cạnh đó, Napas cũng hợp tác với các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán trong lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh. Năm 2020 hỗ trợ triển khai thẻ công viên chức cho Bộ Nội vụ với ưu điểm vừa là thẻ công chức vừa là thẻ thanh toán.

Như vậy, hệ thống của Napas sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán giao thông công cộng ngay cả những tuyến metro trên cả nước như Cát Linh - Hà Đông.

Thứ tư, việc dùng thẻ chip thanh toán quốc tế cũng trở nên an toàn hơn khi người dân có nhu cầu thanh toán, rút tiền tại các quốc gia khác. Trước đây, thẻ từ ghi nợ nội địa cũng có thể sử dụng dịch vụ như thanh toán, rút tiền tại Thái Lan, Malaysia hay Hàn Quốc. Với thẻ chip, hiện tại Napas sẵn sàng hỗ trợ chiều giao dịch rút tiền hay thanh toán tại Hàn Quốc, Nga. Với các quốc gia khác Napas đang tiếp tục nghiên cứu phương án mở rộng kết nối để phát hành thẻ kép vừa chi tiêu nội địa lẫn quốc tế dễ dàng hơn.

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, trong quá trình chuyển từ sang chip của các tổ chức thẻ quốc tế cũng như thị trường thẻ nội địa của các quốc gia cho thấy rằng dù đặt ra kế hoạch nhưng đến thời điểm hiệu lực thì không phải 100% các đơn vị chuyển đổi trọn vẹn từ thẻ từ sang thẻ chip.

Ở chiều phát hành, do chịu tác động của Covid-19 làm chậm lại quá trình và phát hành nhiều khi còn phụ thuộc ý chí của khách hàng, chủ thẻ có thể đến ngân hàng đổi thẻ hay không.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Chi Hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip phản ánh xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này còn phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của người dân, mặc dù đã hội đủ các điều kiện cần (như: ngân hàng trung ương đưa ra lộ trình cụ thể, sự tham gia nhiệt tình của tổ chức chuyển mạch, tổ chức phát hành thẻ).

“Các quốc gia trong khu vực đều cần thời gian để khách hàng có thể tiếp cận được thông tin. Sau đó mới kéo theo sự thay đổi về ý thức hành vi đối với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Vì vậy, ngân hàng trung ương các nước đều đặt ra một lộ trình dài về quá trình chuyển đổi này”, bà Oanh nói.

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/vi-sao-nguoi-dung-nen-chuyen-the-atm-tu-sang-the-chip-62570.html