Vì sao người Hà Nội thờ ơ với cầu và hầm bộ hành? - Ảnh 1.

Người đi bộ bất chấp nguy hiểm cắt đường Khuất Duy Tiến, dù hầm đi bộ cách đó chỉ vài bước chân.

Bất chấp nguy hiểm để cắt ngang dòng xe cộ

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến ý thức người tham gia giao thông. Điển hình là các vụ tai nạn xảy ra tại địa bàn huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương ngày 23/7, khiến ít nhất 6 nạn nhân tử vong và 2 người bị thương nặng. Trước đó, vào hồi tháng 1/2019, tại tuyến QL5 (đoạn đi qua địa phận huyện Kim Thành) xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến đoàn cán bộ xã đang đi viếng nghĩa trang thương vong (8 người tử vong và 8 người bị thương nặng).

Với những vụ tai nạn kể trên, có lẽ sẽ khiến không ít người tham gia giao thông rùng mình mà tự nhắc nhở mình. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại một số cầu bộ hành, hầm bộ hành trên địa bàn TP Hà Nội, dường như những lối đi an toàn này không mấy người dân lưu tâm, mà vẫn bất chấp nguy hiểm, liều mình cắt ngang dòng xe cộ để sang đường. Trong khi lối đi an toàn dành cho người đi bộ cách đó chỉ vài bước chân.

Đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) là tuyến đường được bố trí, xây dựng hệ thống cầu bộ hành, hầm bộ hành dày đặc. Riêng đoạn từ Ngã Tư Sở (Đống Đa) kéo dài đến ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, được bố trí tới 4 cầu bộ hành và một cụm hầm bộ hành, thế nhưng tất cả đều không khiến người đi bộ mặn mà.

Các cầu bộ hành gần KĐT Royal City và Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (Thanh Xuân) cũng rơi vào tình cảnh tương tự, mặc dù là 2 điểm điển hình dành cho người đi bộ, có kết nối với các bến xe buýt, trường học – nơi có lượng lớn người dân qua lại. Hơn nữa, tháng 7 là thời điểm các học sinh, sinh viên đang được nghỉ học, nhưng nhiều người đi bộ vẫn tìm cách lựa chọn cho mình lối đi ngắn nhất nhưng ít an toàn nhất: đó là băng qua đường.

Tương tự, các hầm dành cho người đi bộ trên trục đường Khuất Duy Tiến cũng được xây dựng với mật độ dày đặc, kết nối với các điểm xe buýt. Thậm chí, những lối đi này luôn thoáng đãng, sạch sẽ do được nhân viên vệ sinh thường xuyên nhưng lại rất ít người qua lại.

Chia sẻ với PV, bà Lê Thị Thảo (45 tuổi) - nhân viên vệ sinh tại điểm hầm bộ hành đoạn đối diện UBND quận Thanh Xuân cho biết: "Tôi được phân công túc trực vệ sinh trong khu vực lối đi dành cho người đi bộ sang đường. Ngoài việc khoá cửa các lối lên xuống vào lúc 22h đêm thì hàng ngày, tôi phải tiến hành vệ sinh tối thiểu là 3 lần/ngày. Không gian đi bộ thoáng đãng, sạch sẽ cũng là điểm nghỉ ngơi lý tưởng của những người lao động ngoài trời lựa chọn để tranh thủ chợp mắt giờ trưa".

Để người dân có thói quen sử dụng hầm đi bộ

Vì sao người Hà Nội thờ ơ với cầu và hầm bộ hành? - Ảnh 2.

Hầm đi bộ tại nút giao cắt Ng Tư Sở vắng vẻ.

Thời gian qua Hà Nội đã đầu tư, xây dựng đến 46 cây cầu bộ hành và mạng lưới hầm đi bộ là hơn 30 cái để phục vụ cho người đi bộ trong nội đô. Tuy nhiên, có một thực tế là dù hệ thống cầu bộ hành hay hầm dành cho người đi bộ được khai thác, duy tu và vệ sinh thường xuyên, được đặt tại các vị trí hợp lý, kết nối với các điểm xe buýt nhưng người đi bộ vẫn thờ ơ với các lối đi an toàn này dành cho mình?

Chia sẻ với PV, ông Hoàng Đình Thể (55 tuổi, ở Khương Trung, Thanh Xuân) cho biết: "Cầu đi bộ phải leo nhiều bậc thang, nhìn đã thấy ngại (?), đằng nào khi sang đường, tôi lựa xe cộ sang thì các xe cộ cũng nhìn trước ngó sau để đảm bảo sự an toàn cho hai bên nên nhiều khi, tôi cứ lựa sang đường. Nhiều khi nhìn cầu thang lối đi bộ tôi cũng khá ngán ngẩm, nhất là vào những ngày trái gió, bệnh đau nhức khớp tái phát".

Thờ ơ với các lối đi an toàn dành cho người đi bộ, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông, nhiều người chỉ có thói quen chọn đoạn đường ngắn nhất, vị trí thuận lợi nhất để đi lại, dù gần đó có cây cầu bộ hành hay hầm bộ hành. Tuy nhiên có một lý do mà người đi bộ ngại qua đường bằng hầm bộ hành đó là tính an ninh an toàn.

Nhắc đến hầm dành cho người đi bộ, chị Nguyễn Hoài Anh (26 tuổi, ở KĐT Nam Trung Yên, Cầu Giấy) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ về một buổi tối bị trêu ghẹo trong hầm đi bộ ùa về. Chị Hoài Anh cho biết: "Mùa đông năm 2018, tôi di chuyển xe buýt từ Trường ĐH Thương mại về đến KĐT Nam Trung Yên. Khi tôi di chuyển từ bên kia đường về nhà qua hầm đi bộ thì có một thanh niên cứ đi theo sau, lúc đó hơn 7h tối. Tôi bị thanh niên này buông lời trêu ghẹo. Cảm giác lúc đó rất sợ, vì vào buổi tối, lại một mình. Nếu có xảy ra vấn đề gì thì tôi không biết phải chống đỡ như thế nào".

Về vấn đề sử dụng hầm đi bộ, nhiều ý kiến cho rằng, nên dùng giải pháp cưỡng bức, xây dựng rào chắn tại dải phân cách cao lên để người đi bộ không băng qua mặt đường được; Hay tình trạng thiếu an toàn trong các hầm bộ hành thì có thể làm tương tự như nước ngoài: có thể xây dựng một số khu vực làm dịch vụ trong lòng hầm, làm cho hầm đông đúc hơn, giúp người qua đường yên tâm. Thiết nghĩ, để hầm đi bộ phát huy được tác dụng thì cần tuyên truyền hơn nữa để người dân biết về lợi ích của việc sang đường bằng hầm đường bộ, nhằm thay đổi một thói quen từ nhiều năm nay là sang đường tùy tiện và không sử dụng hầm dành cho người đi bộ, đồng thời giảm ách tắc, mất an toàn giao thông.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết: “Có thể nói, hành vi người đi bộ bất chấp nguy hiểm để băng mình qua đường, nhất là ở các tuyến Quốc lộ, tuyến đường nội đô đông đúc đang diễn ra rất nhiều. Hiện nay, mức phạt hành chính dành cho người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hiện nay, chỉ dừng lại ở mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không đi đúng phần đường quy định, vượt dải phân cách. Tôi cho rằng, đây là mức phạt quá thấp, lại cũng ít có lực lượng chức năng nào xử phạt nên tình trạng nhiều người dân thiếu ý thức, bất chấp nguy hiểm mà chẳng cần đi đúng phần đường dành cho họ”.
Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vi-sao-nguoi-ha-noi-tho-o-voi-cau-va-ham-bo-hanh-20190726194139745.htm

Theo báo Gia đình & xã hội