Cần ăn chín, uống sôi để loại bỏ hoàn toàn trứng sán. Ảnh minh họa
Một người bị, cả nhà cùng lây
Ngủ dậy, chị Mai Thị Hà (ở Vạn Phúc, Hà Nội) thấy có cảm giác nhột nhạt ở đũng quần, kiểm tra phát hiện một con vật thân mềm màu trắng đục trông như mảnh xơ mít. Thấy có “vật thể lạ”, chị liền đi khám. Các bác sỹ xác định, sinh vật lạ mà chị mang theo chính là một đoạn của sán xơ mít. Đây là loại ký sinh trùng sống ở ruột non.
Theo lời kể của chị Hoa, không chỉ chị mà cách đây hơn một tuần, con trai chị cũng đã có hiện tượng lạ ở đũng quần như vậy. Chị đã mua thuốc cho con uống tẩy giun sán nhưng vẫn còn xuất hiện. Đưa bé đi kiểm tra được biết cháu bị mắc sán xơ mít.
ThS.BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, sán xơ mít còn gọi là sán dải. Gọi là sán xơ mít vì trông từng đốt sán giống với mảnh xơ quả mít. Sán có 3 loại chính gồm sán dải bò, sán dải heo và sán dải cá. Hiện bệnh nhân nhiễm sán dải bò và lợn được phát hiện nhiều nhất. Đa phần các trường hợp vào khám hỏi ra đều cho biết thường xuyên hoặc thi thoảng có ăn món tái, trong đó chủ yếu là từ bò, lợn.
Cơ thể sán xơ mít bao gồm rất nhiều đốt kết nhau thành dải, có chiều dài trên 2 mét (700-1.000 đốt). Những đốt già sẽ rụng khỏi thân sán và chui qua đường hậu môn. Chính vì thế, người bệnh chỉ phát hiện nhiễm sán khi sán đã trưởng thành và chui ra ngoài. Do đó mà người nhiễm sán sẽ thấy có những vật là màu trăng trắng ở đũng quần hay trong chăn.
Sán xơ mít có thể lây không phải trực tiếp từ người này sang người khác mà lây gián tiếp do phóng uế bừa bãi làm trứng sán có điều kiện gieo rắc. Những đốt sán xơ mít sau khi chui ra khỏi cơ thể người sẽ mang theo hàng triệu chứng. Đây là nguồn lây cho những người khác vì người chưa nhiễm chỉ cần tình cờ chạm một bề mặt nào đó có trứng sán, chúng sẽ bám vào người, vào tay… Cả nhà cùng bị lây nhiễm do tất cả quần áo, vật dụng, thức ăn để trong nhà đều có nguy cơ nhiễm trứng sán.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), sán xơ mít khi ký sinh vào cơ thể người sẽ gây nhiều bệnh nguy hiểm. Tùy thuộc vào vị trí của chúng ký sinh sẽ gây ra các bệnh khác nhau. Thường sán xơ mít sống ký sinh ở ruột non và lấy chất dinh dưỡng làm thức ăn vì thế người bệnh thường đau bụng, rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, thiếu máu... Trong trường hợp chúng ký sinh ở não, gan, cơ gây viêm não, viêm cơ, áp xe gan và thậm chí đe dọa tính mạng khi không được điều trị kịp thời.
Uống thuốc xổ giun sán cũng chưa chắc tiêu diệt được sán
Có những trường hợp mua thuốc xổ giun bán ở thị trường về uống nhưng vẫn không trị được sán xơ mít. Chỉ thời gian ngắn, sán lại chui ra hậu môn. Theo các chuyên gia, uống các loại thuốc xổ giun thông thường không điều trị được sán xơ mít, chỉ có thuốc đặc trị mới có thể tiêu diệt được. Có thể khi uống mọi người thấy ra một đoạn dài nghĩ là hết, nhưng đầu sán vẫn còn cắm sâu vào thành ruột non. Người bệnh nên đi khám chuyên khoa ký sinh trùng để có chỉ định điều trị đúng khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường.
Để điều trị sán dải lợn trưởng thành có thể dùng thuốc ngắn ngày. Tuy nhiên, điều trị bệnh ấu trùng sán xơ mít phải dùng thuốc đến nhiều tuần lễ và có thể phải lặp lại nhiều lần. Khi điều trị dài ngày, các thuốc điều trị ký sinh trùng thường có nhiều tác dụng phụ nên người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng để tránh những biến chứng.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, thói quen ăn các món ăn tái, sống như gỏi cá, nem chua, nem chạo, rau sống... rất có nguy cơ mắc các bệnh giun sán, trong đó có sán xơ mít. Nếu thức ăn nấu chín, sán sẽ chết hoàn toàn. Bởi vậy mọi người cần thận trọng trong ăn uống, thực hiện ăn chín, uống sôi. Trong lúc chế biến thực phẩm nếu thấy trong thịt lợn có các nang ấu trùng giống như hạt gạo cần bỏ đi.
Nếu nghi ngờ có đốt sán trong phân, người dân nên đi khám để được điều trị sớm và triệt để nhằm ngăn ngừa biến chứng bệnh ấu trùng. Các bác sỹ sẽ có những chỉ định xét nghiệm chủ thể để xác định. Xét nghiệm phân và soi tươi dưới kính hiển vi tìm trứng sán. Chụp CT scanner não, chụp MRI khi có chỉ định can thiệp kỹ thuật vì cần độ chính xác cao, soi đáy mắt tìm hình ảnh và vị trí nang sán…
Ngoài ra để phòng nguy cơ nhiễm cho cả nhà, các chuyên gia khuyến cáo, khi có người nhiễm bệnh cần phải tiệt trùng các đồ dùng sinh hoạt như quần áo, cốc tách, bát... bằng nước đun sôi. Phân người bệnh phải được quản lý tốt, không đi bừa bãi vì đây cũng là nguồn lây bệnh cho người khác. Ấu trùng có thể xâm nhập qua trứng sán có trong phân của người mắc bệnh nếu không rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với thức ăn.
Hà My