Chiều 15/6, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định 1578, áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, các loại đường mía nhập khẩu thuộc mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 sẽ bị áp thuế chống bán phá với giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%.

Hai loại thuế này là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan. Quyết định này có thời hạn 5 năm, hiệu lực từ ngày 16/6.

Liên quan đến việc áp thuế đối với đường mía từ Thái Lan, ngày 20/8/2020, Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của 6 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất mía đường trong nước.

Đến ngày 21/9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Kết luận điều tra xác định một số sản phẩm đường mía Thái Lan được trợ cấp, gây thiệt hại cho ngành sản xuất đường trong nước.
Kết luận điều tra xác định một số sản phẩm đường mía Thái Lan được trợ cấp, gây thiệt hại cho ngành sản xuất đường trong nước. Ảnh minh họa.

Ngày 12/5/2021, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức buổi tham vấn công khai dưới hình thức trực tuyến liên quan đến vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Buổi tham vấn có sự tham gia của 80 đại biểu đại diện cho các nhóm bên liên quan gồm: Chính phủ, doanh nghiệp, hiệp hội của Thái Lan và Việt Nam.

Tại buổi tham vấn, đại diện ngành sản xuất trong nước cho rằng ngành mía đường Thái Lan được Chính phủ hỗ trợ từ kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp 1,3 tỷ USD/năm, tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào nên khi vào Việt Nam đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành nên kiến nghị việc áp thuế.

Đại diện Chính phủ, các doanh nghiệp Thái Lan cũng đã cung cấp các thông tin về vấn đề giá bán, năng lực của ngành sản xuất Thái Lan và các tác động kinh tế - xã hội của việc áp thuế.

Tại buổi tham vấn, đại diện các bên liên quan như: Bên sử dụng sản phẩm mía đường, bên nhập khẩu, đại diện người trồng mía cũng đưa ra các quan điểm.

Sau buổi tham vấn, Cục Phòng vệ thương mại đã hoàn thiện kết luận điều tra cuối cùng của vụ việc. Trên cơ sở kết luận điều tra cuối cùng, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định chính thức về vụ việc này.

Trước đó, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương Ban hành Quyết định 477/QĐ-BTC về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Theo Thế Vũ/Congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/viet-nam-ap-thue-chong-ban-pha-gia-duong-nhap-tu-thai-lan-post139175.html