Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 33,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 24,9 tỷ USD, tăng 24,1%; hàng dệt may đạt 22,1 tỷ USD, tăng 19,8%; giày dép đạt 14,1 tỷ USD, tăng 19,6%.
Đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước ngày càng khẳng định vai trò đóng góp của mình khi có giá trị kim ngạch xuất khẩu 7 tháng 56,99 tỷ USD, tăng 17%, cao hơn mức tăng 15,7% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm 2021; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 192 tỷ USD, tăng 16%; nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 5,4%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 32,9%.
Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng năm 2022, hầu hết các thị trường xuất khẩu đều đạt mức tăng khá cao. Trung Quốc là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất với ước tính 103,1 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu ước đạt 30,4 tỷ USD, tăng 6,5%.
Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 2 với ước tính 76 tỷ USD về thương mại hai chiều, tăng 20,7%; trong đó, xuất khẩu đạt 67,1 tỷ USD, tăng 24,3%. Hàn Quốc là thị trường có kim ngạch xuất nhập khẩu đứng ở vị trí thứ 3 với 51,3 tỷ USD, tăng 21,2%; trong đó, xuất khẩu ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 14,5%. ASEAN có kim ngạch 2 chiều ước đạt 49 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt giá trị 20,6 tỷ USD, tăng 27,1%.
Thị trường EU có kim ngạch 2 chiều ước đạt 37,1 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 27,9 tỷ USD, tăng 22%. Nhật Bản có kim ngạch hai chiều ước đạt 27,5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 13,4 tỷ USD, tăng 12,9%.
Cũng trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu nên trong 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì mức xuất siêu 764 triệu USD. Mức xuất siêu tuy không cao nhưng cũng là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của nền kinh tế, cùng kỳ năm trước cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,31 tỷ USD.
Tuy nhiên, mức xuất siêu hiện nay còn thấp, thiếu tính bền vững, nguy cơ nhập siêu vẫn luôn hiện hữu. Nhập siêu không chỉ tác động đến kinh tế vĩ mô (cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái, công nợ ngoại tệ, lạm phát…), mà còn tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế.
Cảnh báo trên đòi hỏi phải có giải pháp ngăn chặn. Trong các giải pháp hạn chế nhập siêu, giải pháp cơ bản là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu hoặc khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh công nghiệp hỗ trợ, giảm thiểu tính gia công, lắp ráp để giảm phụ thuộc nhập khẩu. Đồng thời, cần có giải pháp để ứng phó với việc tăng giá USD, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, khi tỷ giá VND/USD và tỷ giá thương mại hàng hóa đã giảm hơn 2 năm.
Ngoài ra, phải tiếp tục đẩy mạnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, bắt kịp với đà phục hồi và các xu hướng phát triển mới của quốc tế, đồng thời cũng phải sẵn sàng đối mặt với nhiều rủi ro như: Chiến tranh thương mại và xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn; Diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán; Nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng. Tận dụng tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các thị trường trọng điểm trên thế giới, tạo ra một xung lực lớn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, tạo cơ hội tiếp nhận những công nghệ tiên tiến, hiện đại và đào tạo được lực lượng lao động chuyên nghiệp hơn.
Nguồn: https://ngaynay.vn/viet-nam-duy-tri-xuat-sieu-trong-thang-7-2022-post123617.html