Tại Lễ công bố Báo cáo Tình trạng dân số thế giới 2020 với chủ đề: "Trái với ý muốn của tôi - Xóa bỏ các thực hành có hại gây ảnh hưởng tới phụ nữ và trẻ em gái và gia tăng bất bình đẳng", bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA phát biểu: "Định kiến giới, tư tưởng thích con trai vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Rõ ràng, đây là sản phẩm của một hệ thống tư tưởng luôn đặt nam giới và trẻ em trai ở địa vị cao hơn phụ nữ và trẻ em gái. Việc lựa chọn giới tính thai nhi dựa trên cơ sở định kiến giới có thể được đo lường trực tiếp thông qua tỷ số giới tính khi sinh. Tỷ số này ở Việt Nam đang thể hiện tình trạng rất mất cân bằng".
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số "tự nhiên" là 105 bé trai trên 100 bé gái. Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.
Ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết: "Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các chuẩn mực xã hội phổ biến việc trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái. Việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 mà chúng tôi đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020".
Bằng chứng cũng cho thấy sự mất cân bằng về nhân khẩu học chính là hệ quả của việc chọn lọc giới tính trước khi sinh gây ra bởi tư tưởng thích con trai vốn đã ăn sâu bám rễ vào văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự ưa thích con trai chính là biểu hiện rõ ràng của bất bình đẳng giới.
Về vấn đề này, bà Khuất Thu Hồng, chuyên gia Quốc gia về Bình đẳng giới và Lựa chọn Giới tính thiên lệch về giới, chỉ ra 3 căn nguyên chính: “Đó là, truyền thống tổ chức gia đình phụ hệ, trong đó đề cao vai trò của con trai. Mô hình sinh sống bên nội, con gái lấy chồng ở nhà chồng. Và tục lệ thờ cúng tổ tiên, con trai nối dõi gia đình”.
Bà Hồng dẫn một nghiên cứu cho biết 60% nam giới Việt Nam đặt ra tiêu chí có con trai mới là người đàn ông thành đạt, đích thực.
Có thể thấy rằng, dù có nhiều tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới trong thập kỷ qua, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tư tưởng thích con trai hơn con gái vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam.