Doanh số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam cán mốc 39 tỉ USD vào năm 2025

Dữ liệu của Metric.vn cho thấy Shopee, Lazada, Tiki và Sendo là 4 sàn TMĐT nổi bật nhất tại Việt Nam. Cụ thể, Shopee đang là sàn TMĐT chiếm thị phần lớn nhất thị trường Việt Nam hiện nay với doanh số lên tới 43.118 tỉ đồng, chiếm 72% thị phần tính từ tháng 11.2021 đến tháng 5/2022.

Lượng doanh số khổng lồ có sự đóng góp không nhỏ từ các chương trình sale do sàn tổ chức. Bên cạnh đó, xu hướng kết hợp truyền thông giữa sàn và nhãn hàng đã tạo nên làn sóng mua sắm trong suốt thời điểm dịch đến nay.

Đối với Shopee, tính riêng giai đoạn 14/4-13/5, tổng doanh số của thị trường TMĐT đạt mức 7.200 tỷ đồng và có hơn 85,5 triệu sản phẩm được bán ra.

Nhóm sản phẩm làm đẹp đang đạt doanh số cao nhất giai đoạn này với tổng giá trị hơn 1.200 tỷ đồng, ghi nhận hơn 13 triệu đơn vị được bán ra. Doanh số nhóm thời trang nữ đạt gần 948 tỷ đồng với 10,4 triệu sản phẩm. Một số ngành hàng tiêu biểu khác là nhà cửa và đời sống, khác, mẹ và bé, điện thoại và phụ kiện, thời trang nam, sức khỏe…

Các sản phẩm có mức giá 100.000-500.000 đồng được người dùng giao dịch tích cực nhất, doanh số vượt 3.300 tỷ đồng. Mặt khác, giá trị giao dịch sản phẩm có mức giá dưới 10.000 đồng thấp nhất, chỉ đạt hơn 128 tỷ đồng. Xu hướng tiêu dùng này cũng được ghi nhận trên Lazada.

Hãng Statista nhận định, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ liên tục tăng trưởng mạnh mẽ và có thể cán mốc 39 tỉ USD vào năm 2025.

Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đà tăng trưởng của TMĐT đạt trên 20% trong năm 2021 với quy mô trên 16 tỉ USD.

Các sản phẩm có mức giá 100.000-500.000 đồng được người dùng giao dịch tích cực nhất, doanh số vượt 3.300 tỷ đồng. Mặt khác, giá trị giao dịch sản phẩm có mức giá dưới 10.000 đồng thấp nhất, chỉ đạt hơn 128 tỷ đồng. Xu hướng tiêu dùng này cũng được ghi nhận trên Lazada.

Tuy nhiên, đối với Tiki, doanh số bán hàng tập trung chủ yếu ở những ngành hàng như điện thoại và phụ kiện, điện gia dụng, gia dụng và đời sống, xe máy và xe điện. Do vậy, các sản phẩm có giá trên 5 triệu đồng là đối tượng chính đóng góp cho doanh số trên sàn.

Ngoài ra, thống kê trên Shopee và Lazada hai tháng đầu năm, Metric cho biết Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố có hoạt động TMĐT sôi nổi nhất, chiếm lần lượt 48,9% và 37,8%. Đáng chú ý, nhóm ngành hàng quốc tế cũng bắt đầu vươn lên, chiếm 8,4%.

Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh minh họa
Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh minh họa

Dù vậy, tốc độ này bị đánh giá là chưa mạnh mẽ do tác động tiêu cực từ đại dịch. Dự báo mức tăng trưởng sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19 và những động lực phát triển từ làn sóng thứ hai.

Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, có tới hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn, tính từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021.
Có 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai, cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam. Đây là những động lực giúp TMĐT nước ta tăng trưởng tốt.

"Lỗ hổng" trên sàn TMĐT Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ, lợi dụng sự phát triển nhanh của TMĐT và phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua internet dễ dàng, nhiều tổ chức, cá nhân tìm mọi cách để trục lợi, do vậy, tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, TMĐT trước đây chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, cao hơn là trên các sàn TMĐT. Nhưng hiện nay, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok cũng bán được hàng và đây mới chỉ là bước đầu của nền kinh tế số.

Chưa kể, mô hình TMĐT không chỉ ở một nơi, mà đa quốc gia, lãnh thổ, lĩnh vực. Vì vậy, việc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên không gian mạng.

Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Dự báo trong từ 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm từ 50- 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.

Cũng trong năm 2021, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.

Chống hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử vẫn còn nan giải. Ảnh: BCĐ389
Chống hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử vẫn còn nan giải. Ảnh: BCĐ389

Một thống kê khác của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng; trong đó, 50% số khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.

Hiện tại, thực tế các sàn TMĐTcố chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó. Vì thế nên các sàn thương mại điện tử làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa.

Điều này tạo ra tình trạng trong số các hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái. Thêm vào đó là, có tình trạng mặc dù không phải là hàng giả hàng nhái nhưng tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng không đảm bảo, gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng.

Theo congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/viet-nam-tro-thanh-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-lon-thu-2-dong-nam-a-post195134.html