Lợi nhuận tăng 20%, cổ phiếu vẫn không thoát mệnh giá

Sau rất nhiều năm, TCTCP Ánh Dương Việt Nam – Vinasun (mã VNS) đã báo tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, quý IV/ 2019, VNS báo doanh thu đạt 441 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý IV của Vinasun đạt 14,6 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2019, Vinasun đạt 1.991 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, doanh thu vận tải bằng taxi đạt 1.728 tỷ đồng, doanh thu vận tải theo hợp đồng đạt hơn 240 tỷ đồng.

Ngoài ra, thu nhập khác năm 2019 đạt hơn 92 tỷ đồng. Trong đó thu nhập từ thanh lý tài sản chiếm môt nửa, và một nửa từ lợi nhuận quảng cáo trên taxi. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của VNS đạt 109 tỷ đồng, tăng 20% so với mức 88 tỷ đồng năm 2018. Tuy nhiên, đây vẫn là mức lợi nhuận thấp nhất trong 10 năm qua của VNS.

Dễ nhận thấy, lợi nhuận của Vinasun khả quan hơn năm trước nhờ ghi nhận nguồn thu từ thanh lý xe, hoạt động vận tải hành khách hợp đồng, thu nhập quảng cáo trên taxi. Mặc dù vậy, so với lợi nhuận thời đỉnh cao, hiện Vinasun vẫn còn phải "chạy dài". Cùng với đó, giá cổ phiếu VNS cũng đã về bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Mức giá này giảm một nửa so với một năm trước.

VNS khó tìm lại thời hoàng kim

Thành lập năm 1995, VNS đã phát triển thần tốc từ một doanh nghiệp taxi nhỏ lên thị phần số 1 tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Trong đó, công ty có khoảng 60% xe 7 chỗ, 40% xe 4 chỗ, đa phần thương hiệu Toyota. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có 1.000 điểm giao dịch gần các khu vực văn phòng, sân bay, nhà hàng, khách sạn và hệ thống thành viên qua thẻ để đón tập khách trung tâm thành phố.

Vinasun vốn sở hữu nhiều lợi thế, từ giá trị thương hiệu, cấu trúc tài chính lành mạnh. Dòng tiền kinh doanh tốt, ít nợ vay, đến kinh nghiệm vận hành, quản lý và dịch vụ khách hàng sau hơn 20 năm hoạt động - điều mà các hãng mới không dễ gì có được.

Tuy nhiên, VNS đã dần mất thị phần với sự phát triển của người dùng smartphone và ứng dụng di động kể từ năm 2013, dịch vụ gọi xe mới ra đời ảnh hưởng không nhỏ tới các hãng taxi như Vinasun. Dịch vụ này giúp khách hàng chốt giá cước trước khi khách hàng quyết định đặt xe, tận dụng được lượng xe trống lớn trên đường. Đồng thời, khách hàng có thể đặt xe qua điện thoại ở bất cứ đâu.

Cũng vì tiện ích ưu thế của loại hình taxi công nghệ đó mà doanh số của VNS giảm 30% kể từ năm 2016. Ngoài ra, mức ROIC (chỉ số hoàn vốn đầu tư) của VNS khá thất vọng khi chỉ vỏn vẹn 3,5%. Dòng tiền tự do gần như bằng 0. Trong khi, VNS có 70% là tài sản cố định, chủ yếu là xe taxi phải thay mới 5 - 7 năm.

Để chuẩn bị cho xu hướng mới, song song với duy trì kênh tổng đài điện thoại, điểm đón cố định, Vinasun đã xây dựng ứng dụng gọi xe riêng với kỳ vọng cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tương tự taxi công nghệ, nhưng đến nay vẫn chưa mang tính cạnh tranh.

Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, dù Vinasun có lợi thế có thể cung cấp hóa đơn đầy đủ (điều các hãng taxi công nghệ hầu như chưa thể đáp ứng) và duy trì kết hợp với ngân hàng để phát hành thẻ taxi, nhưng đóng góp từ nhóm khách hàng này chưa bù đắp được sự sụt giảm của khách hàng cá nhân.

Vinasun cũng nỗ lực chuyển dịch mô hình kinh doanh từ chia sẻ doanh thu sang cho thuê xe và nhận khoản phí cố định,… Nhờ đó, kết quả hoạt động kinh doanh chính đang cải thiện, dần đủ bù đắp các chi phí, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào việc “bán xe ăn dần” như trước. Tuy nhiên, Vinasun rất khó có thể tìm lại thời hoàng kim khi thị phần đã mất. Tất nhiên, hãng này có thể tăng trưởng lợi nhuận ổn định khi bắt kịp xu hướng mới và hoàn thiện được những điểm mà người tiêu dùng chưa hài lòng với taxi công nghệ. Chờ đến khi đó, giá cổ phiếu VNS mới được kỳ vọng. 

Theo Mộc Vy/Reatimes