Sau vụ cháy lớn thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng 6.000m2 của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (ngày 29/8), cổ phiếu RAL của công ty đã quay đầu giảm sàn hai phiên liên tiếp, mất gần 14%... Không chỉ giữ thị phần số một tại thị trường Việt Nam, Rạng Đông hiện sở hữu quỹ đất rộng lớn ở trung tâm Hà Nội sẽ phải di dời, mà nhiều đại gia địa ốc thèm khát.

Mất 126,5 tỉ đồng vốn hóa sau cháy lớn

Vụ hoản hoạn bất ngờ bùng phát vào khoảng 18h hôm 28/8 tại kho hàng của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trên đường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Công an thành phố sau đó đã phải huy động 50 xe chữa cháy từ các quận Thanh Trì, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông tới hỗ trợ. Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội phải huy động nhiều xe cứu hỏa như vậy tới cùng một địa điểm để dập lửa.

Đến 23h40 cùng ngày, đám cháy mới cơ bản được khống chế, không còn nguy cơ cháy lan. Cũng theo cơ quan chức năng không có thiệt hại nào về người nhưng nhiều cơ sở vật chất đã bị thiêu rụi. 

Công ty Rạng Đông ước tính vụ hoả hoạn đã gây thiệt hại tài sản khoảng 150 tỉ đồng, tương đương với dưới 5% tổng tài sản của công ty.

co phieu giam manh sau chay lon ai dinh doat so phan dat vang phich nuoc rang dong
Vụ cháy kinh hoàng ngày 28/8 đã thiêu rụi toàn bộ thành quả sản xuất của Công ty Rạng Đông . Ảnh: Mạnh Thắng.

Ngay sau vụ hoản hoạn kinh hoàng, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Rạng Đông cho biết sẽ điều chỉnh kế hoạch sản xuất năm 2019, theo đó tăng nhịp độ sản xuất sản phẩm LED (chiếm 80% tỷ trọng doanh thu), đảm bảo đủ sản phẩm thay thế đèn dây tóc, đèn CFL (chiếm 8% tỷ trọng doanh thu) cho khách hàng. Hiện, Rạng Đông sản xuất khoảng 150 triệu sản phẩm bóng đèn các loại và 18,5 triệu sản phẩm phích nước mỗi năm, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang 42 nước.

Những thiệt hại ban đầu từ vụ cháy kho xưởng đã lập tức ảnh hưởng tới giá cổ phiếu RAL của Rạng Đông trên sàn chứng khoán. Trong hai phiên giao dịch ngày 29 và đầu ngày 30/8, cổ phiếu RAL đã giảm kịch sàn, mất tổng cộng 14% xuống chỉ còn 78.000 đồng/CP. Tuy nhiên, nhờ động thái trấn an của lãnh đạo công ty thì RAL đã bật tăng trở lại, lên mức 85.000 đồng/CP lúc 9h15 phút sáng nay. Mặc dù thị giá cao song thanh khoản của RAL trên sàn thời gian qua đạt rất thấp, chỉ từ vài nghìn đến 50.000 cổ phiếu mỗi phiên.

Với 11,5 triệu cổ phiếu đang niêm yết (tương đương vốn điều lệ là115 tỉ đồng), cổ phiếu RAL giảm sàn hai phiên liên tiếp đã khiến vốn hoá Rạng Đông bị "bốc bơi" 126,5 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đánh giá Công ty Rạng Đông là doanh nghiệp đầu ngành chiếm thị phần số một ở lĩnh vực sản xuất bóng đèn, phích nước, có thương hiệu và quá trình phát triển lâu dài, doanh thu năm 2018 hơn 3.600 tỉ đồng và lợi nhuận 200 tỉ đồng... Cùng với đó công ty đã cơ cấu hàng hoá đa dạng, chủ yếu là sản phẩm LED, nên vụ hoả hoạn kho chứa đèn huỳnh quang sẽ ảnh hưởng không lớn tới kết quả kinh doanh năm nay.

Trước đó, cổ phiếu RAL cũng có thời gian tăng trưởng ấn tượng từ 40.000 đồng lên tới 88.000 đồng/CP  trước khi "đổ đèo" vì vụ hoả hoạn bất ngờ.

Có hồi sinh nhờ chuyển đổi “đất vàng”

Sau cổ phần hoá năm 2004, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông hoạt động theo mô hình CTCP với vốn điều lệ là 79,1 tỉ đồng và đã nâng vốn lên 115 tỉ đồng. Sau 60 năm phát triển, Rạng Đông đã trở thành doanh nghiệp số một về bóng đèn, phích nước với mạng lưới hơn 7.000 cửa hàng phân phối, đứng thứ 402 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, Rạng Đông cũng phải đối mặt áp lực cạnh tranh khốc liệt từ hàng hoá giá rẻ Trung Quốc tràn sàn, cùng sự chuyển đổi công nghệ mới hiện đại, tiết kiệm năng lượng và chi phí, hạ giá thành... Đối thủ Công ty Điện Quang cũng có sự tăng tốc nhanh chóng, giành giật thị phần với Rạng Đông. Bên cạnh đó là áp lực vay nợ tài chính, chi phí nhân công rất lớn khiến công ty bị thua lỗ, có thời điểm phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc 6 tháng, tài khoản tại ngân hàng bị phong tỏa, hoạt động cầm chừng... 

Sau khi tái cơ cấu về quản trị và công nghệ, Rạng Đông đã dần lấy lại được thị phần, có lãi, cổ phiếu tăng trưởng tích cực gấp 8 lần mệnh giá ban đầu. Trong 5 năm qua, doanh thu của công ty tăng trưởng tích cực từ mức 2.600 tỉ đồng năm 2014 lên mức kỷ lục 3.621 tỉ đồng vào năm 2018. Theo kế hoạch, năm 2019 công ty sẽ đạt mức doanh thu 4.360 tỉ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước. Lợi nhuận cũng tăng trưởng cao từ mức 89 tỉ đồng lãi trước thuế năm 2014, đến năm 2018 đạt 259 tỉ đồng. Chỉ 6 tháng năm nay lợi nhuận đã đạt 123 tỉ đồng. 

co phieu giam manh sau chay lon ai dinh doat so phan dat vang phich nuoc rang dong
Doanh thu của Rạng Đông tăng trưởng tích cực trong 5 năm qua. Ảnh: Hải Hà

Một vấn đề đáng lo ngại là Rạng Đông đang chịu gánh nặng nợ rất lớn khi sử dụng "đòn bẩy" tài chính quá cao. Đến cuối thán 6/2019, tổng cộng nguồn vốn là 2.782 tỉ đồng nhưng có tới gần 70% là nợ phải trả, tương ứng 1.947 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu là vay và nợ vay tài chính ngắn hạn là 1.460 tỉ đồng. Tổng nợ cũng vượt gấp gần 17 lần vốn điều lệ công ty.

Được biết, các chủ nợ lớn nhất của Rạng Đông hiện là Vietcombank với dư nợ ngắn hạn hơn 402 tỉ đồng, Vietinbank (255 tỉ đồng), SCB (188 tỉ đồng)… và được đảm bảo bằng hàng tồn kho và các khoản phải thu, quyền thu tại các hợp đồng kinh tế. Hiện chưa rõ, hàng hoá là tài sản thế chấp của các ngân hàng tại kho Hạ Đình vừa bị cháy là bao nhiêu và các chủ nợ sẽ xử lý thế nào khi tài sản đảm bảo đã bị "cháy thanh tro bụi"? 

Áp lực nợ vay, chi phí tài chính quá lớn khiến cho hiệu quả kinh doanh bị ảnh hưởng và lợi nhuận chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng doanh thu. Các chỉ số ROA và ROE cũng kém khả quan, không hấp dẫn giới đầu tư cổ phiếu. 

Thế nhưng, sức hút của Công ty Rạng Đông có lẽ chính vì doanh nghiệp đang sở hữu, quản lý quỹ đất rộng lớn ngay trong nội đô Hà Nội. Đó là khu đất nhà máy Hạ Đình rộng 5,7ha, được xây dựng vào năm 1958, nằm kế bên các khu đất nhà máy “Cao-Xà-Lá” và công ty Giày Thượng Đình mà Tập đoàn Vingroup, Hoành Sơn... vẫn nhòm ngó lâu nay.

co phieu giam manh sau chay lon ai dinh doat so phan dat vang phich nuoc rang dong
Khu đất của Công ty Rạng Đông nhiều năm qua vẫn ở trong thế "nhùng nhằng" chưa được định đoạt số phận

Theo chủ trương của Chính phủ về di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội, nhà máy Hạ Đình sẽ phải di dời về KCN Quế Võ, Bắc Ninh để nhường "đất vàng" cho mục đích sử dụng khác hiệu quả hơn. Căn cứ theo Quyết định 86/2010/QĐ-Ttg về cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, khu đất nhà máy Hạ Đình có thể chuyển đổi mục đích để đầu tư dự án khác thông qua việc liên doanh, hoặc thành lập pháp nhân mới. Nhưng đến nay, Công ty Rạng Đông vẫn chưa có kế hoạch di dời nhà máy cụ thể, trong khi địa điểm nhà máy mới rộng 8ha ở KCN Quế Võ lại chưa được xây dựng...

Nếu Rạng Đông di dời nhà máy, khu đất 5,7ha Hạ Đình sẽ là tài sản giá trị nhất có thể đem lại dòng tiền tương lai cho công ty nếu được "tư nhân hoá" chuyển đổi thành dự án bất động sản, nhà ở và văn phòng thương mại. Đây cũng là lý do mà nhiều nhà đầu tư chuyên thâu tóm tài sản đất vàng của nhà nước săn lùng mua cổ phiếu, cổ phần của doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi, thoái vốn như các nhà máy Cao su, xà phòng, thuốc lá Thăng Long, giầy Thượng Đỉnh...

"Miếng ngon" đất vàng của Rạng Đông nhiều năm qua vẫn ở trong thế "nhùng nhằng" chưa được định đoạt số phận khi doanh nghiệp này đang thiếu năng lực đầu tư về bất động sản, tài chính khó khăn, vốn điều lệ thấp chỉ có 115 tỉ đồng... 

Nhưng với cơ cấu cổ đông "cô đặc" gồm Công đoàn Rạng Đông chiếm 42,96% vốn điều lệ, bà Lê Thị Kim Yến, Thành viên HĐQT nắm 15,13%, Chủ tịch Nguyễn Đoàn Thắng nắm 1,86%... thì có lẽ việc quyết định di dời nhà máy, chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất chỉ "trong lòng bàn tay" của nhóm cổ đông đang chi phối doanh nghiệp này.  

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/co-phieu-giam-manh-sau-chay-lon-ai-dinh-doat-so-phan-dat-vang-phich-nuoc-rang-dong-9071.html
 

Theo Kinh Tế Môi Trường