Chỉ sau một đêm, khi thông tin về ca nhiễm Covid- 19 thứ 17 được cơ quan chức năng công bố, sự tự tin bấy lâu của không ít người dân sống tại Hà Nội như bay đâu hết, nhường chỗ cho những lo sợ mơ hồ không đáng có.
Sơn Lôi tự tin bước vào ngày mới
Ngày 4-3, đánh dấu mốc quan trọng trong đời sống những người dân xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc. Hơn 10.000 người dân kiên cường ấy đã hoàn thành xứ mệnh 21 ngày cách ly chống dịch Covid-19. Ngay từ khi nhận được tin trong xã có người dương tính với virus Corona, cuộc sống người dân không mấy xáo trộn, không có chuyện lo lắng ùn ùn kéo nhau khuân hàng tích trữ. Mọi người chủ động cách ly nhưng không kì thị với bệnh nhân nhiễm Covid- 19 và người thân của họ.
Ngay khi nhận được thông báo cách ly từ phía chính quyền, mọi người đồng thuận chấp nhận để đảm bảo sự an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Cuộc sống tuy có chút thay đổi, hội làng không tổ chức, đám cưới tạm gác lại nhưng nhịp sống sản xuất đầy lạc quan vẫn diễn ra.
Sau 21 ngày khoanh vùng, người dân Sơn Lôi đã cùng cả nước viết nên điều kì diệu, bệnh nhân nhiễm virus, nay trở về địa phương với kết quả âm tính. Cả xã không có trường hợp nào dính Covid-19.
Rất nhiều người Hà Nội lúc đó đón nhận câu chuyện ở Sơn Lôi một cách bình tĩnh, vì nó đang ở xa nơi mình ở, cuộc chiến chống giặc Covid-19 có Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền, quân đội, công an lo. Nói cách khác, trong suy nghĩ nhiều người, đây là chuyện nhà hàng xóm.
Người Hà Nội đổ xô mua lương thực vì lo lắng quá mức
Nhưng ngay khi hay tin về trường hợp bệnh nhân thứ 17, nhiễm Covid-19 làm quản lý một khách sạn tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội thì “virus hoang mang” trong rất nhiều người dân đang sinh sống tại Hà Nội bùng phát. Từ chuyện dịch ở nhà hàng xóm, nay thành chuyện nhà mình. Sự tự tin bấy lâu nay biến mất, thay vào đó là sự thực dụng, có phần ích kỉ được nhen lên.
Từ siêu thị đến chợ dân sinh, hàng hóa, thực phẩm được mua sạch. Đáng buồn, tình trạng mua theo kiểu vét hàng diễn ra từ sáng sớm. Tính cộng đồng, tương thân tương ái trong không ít người bị biến mất vì bị tính thực dụng xâm chiếm, gạo nhà đủ ăn cho cả tháng vẫn được không ít gia chủ ra chợ, tới các quầy hàng khuân thêm vài bao nữa, hệt phim ngày tận thế. 1kg thịt có nơi bị tiểu thương đẩy giá từ 150.000 đồng lên tới 300.000 đồng/kg...
Giá như lúc này, không ít người sống tại Hà Nội bình thản và bản lĩnh như người dân Sơn Lôi thì hay biết mấy.
Vậy hàng hóa phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân thủ đô có thiếu đến mức phải tranh nhau không? Không có chuyện thiếu.
Sáng 7-3, ngay khi bước vào cuộc họp liên quan đến phòng chống dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trấn an nhân dân không xếp hàng mua đồ tích trữ vì thành phố đủ khả năng cung cấp.
Bộ Công Thương khẳng định đã tính toán mọi phương án để đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu. Cũng trong sáng 7-3, khẳng định tại cuộc giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, đại diện Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu, khan hàng trong bối cảnh thủ đô đã có ca nhiễm bệnh đầu tiên. Các siêu thị lớn như BigC, Vinmart và Vinmart+... cũng cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hóa trong bối cảnh Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 mới.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hàng hóa không thiếu và điều người dân cần tránh lúc này là không nên tụ tập đông người, không đến chỗ đông người để tránh nguy cơ lây bệnh. Ngay cả những người đang sống trong khu vực cách ly thuộc tuyến phố Trúc Bạch và Châu Long, quận Ba Đình cũng được chính quyền lên phương án cụ thể cung cấp nhu yếu phẩm đầy đủ.
Hãy như Sơn Lôi, cách phòng chống dịch tốt nhất là tự cách ly, thông báo kịp thời cho chính quyền và bộ phận y tế về sức khỏe của mình. Đừng hoang mang di chuyển về các vùng quê, nếu như mình đang sống ở khu vực nghi nhiễm dịch.
Hãy hình dung, chỉ một cô gái bị dương tính với Covid-19 tại Hà Nội, thành phố đã phải huy động hàng trăm người vào cuộc, từ bộ phận gần nhất là y tế, an ninh, tổ dân phố, cho đến các lực lượng khác như quân đội, các cấp chính quyền... Đó là chưa kể đến những cuộc họp hàng giờ của Chính phủ, Bộ Y tế, Thành phố... để đề ra những phương án phòng chống, đảm bảo an toàn tốt nhất cho cuộc sống và sức khỏe người dân.
Nếu muốn những người lính không phải ngủ rừng để nhường doanh trại cho người dân cách ly dịch bệnh, nếu muốn con em được đến trường trong điều kiện an toàn nhất, nếu muốn các ngành kinh doanh sớm ổn định... cách tốt nhất vẫn là mỗi người dân đề cao sự chủ động, thông báo kịp thời về sức khỏe nếu có một trong những triệu chứng liên quan đến dịch bệnh. Hãy chủ động cách ly và đừng vô tư, chủ quan và trốn khai báo tình trạng sức khỏe như trường hợp thứ 17 nhiễm Covid-19 để kéo theo cả gia đình, cộng đồng bị liên đới.
Chính phủ, Bộ Y tế, các địa phương, trong đó có Hà Nội không giấu dịch. Trường hợp nhiễm Covid-19 tại phường Trúc Bạch được công bố kịp thời, kể cả danh tính những người liên quan. Từ đó, chúng ta tiếp tục phát hiện thêm hai trường hợp dương tính khác với Covid-19 và có biện pháp kiểm soát bệnh dịch.
Nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày không thiếu, trước ca nhiễm Covid-19 thứ 17 thì đã có 16/16 ca dương tính với Covid-19 đều được chữa khỏi, trong số đó có hai cha con người Trung Quốc. Người dân Hà Nội hãy từ bỏ “virus hoang mang”, thứ virus thậm chí còn đáng sợ hơn Covid-19 khiến không ít người quên mình đang sống trong thủ đô ngàn năm văn hiến, đầu tàu mọi mặt của cả nước để chen nhau vét từng thùng mỳ tôm, mớ rau, cân gạo. Hãy bản lĩnh và biết chia sẻ như đức tính quý báu vốn có được hun đúc từ bao đời.
Cô gái nhiễm Covid-19 đêm 6-3 khiến cả Hà Nội xôn xao, không ít người dùng từ “Toang”. Hãy bình tĩnh, chẳng có gì “Toang” ở đây cả.
Nên mừng khi thấy tại con phố Trúc Bạch, lực lượng quân đội cùng với xe chuyên dụng phun thuốc khử khuẩn từng mét đường, từng ngôi nhà. Bởi có điều kiện phòng chống dịch chúng ta mới làm được như vậy. Có lo lắng cho an toàn cuộc sống và sức khỏe người dân, Chính phủ, ngành y và thành phố mới tính đến những phương án dập dịch tốt nhất ngay từ ban đầu, cho dù rất tốn kém.
Nếu có con phố, phường hay quận nào đó phải cách ly thì hãy xem đó như chuyện bình thường giữa thời dịch, bởi trước nhiều địa phương khác, người dân Sơn Lôi đã làm được điều này. Trên trang facebook của mình, một bác sĩ tâm sự: “ Bình tĩnh lại các anh chị ạ. Đừng quên cha con người Trung Quốc cũng leo tàu hỏa Bắc-Nam trong những ngày đầu chúng ta chưa có ý thức phòng dịch nhưng cũng không gây hậu quả gì đáng kể. Sars-Cov-2 nó nguy hiểm thật nhưng không phải cứ đứng gần là có nguy cơ, không phải có nguy cơ là lây, không cứ phải lây sang là dính bệnh.
Đánh nhau với một bóng ma, cái ta cần là sự BÌNH TĨNH. Việc hoảng loạn chạy đi khắp nơi không mang lại gì ngoài nguy cơ lan truyền ra cộng đồng cao hơn. Chúng ta chửi cô Nhung có nguy cơ rồi mà tại sao còn trốn khai báo nhưng lại tự cho mình cái quyền về quê tránh dịch khi không may ở trong vùng lẽ ra phải cách ly?...”.
Hãy yên tâm, không chỉ có công dân ở trong nước, ngay cả những công dân Việt Nam từ nước ngoài và các vùng lãnh thổ có dịch trở về vẫn được Tổ quốc giang tay đón, lo cho bàn chải, chăn đắp đến từng bữa ăn.
Đảng, Chính phủ chưa bao giờ bỏ công dân mình ở lại phía sau. Điều mỗi người dân cần làm là bình tĩnh loại bỏ “virus hoang mang” ra khỏi đầu mình để biết sống sẻ chia và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.