Đặc biệt tại Singapore, trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên được thông báo ngày 28/08/2016, trong 4 ngày (đến ngày 31/8/2016) đã ghi nhận 82 trường hợp.
Bên cạnh đó, tình hình sốt xuất huyết đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ La - tinh.
Trước tình hình này, sáng 1/9, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp trực tuyến tại 4 điểm cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Khánh Hòa nhằm mục tiêu tăng cường giám sát phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các điểm có nguy cơ cao.
Và mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết.
Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tại Việt Nam, đã có 3 trường hợp nhiễm virus Zika và có một số trường hợp người nước ngoài phát hiện nhiễm vi rút Zika sau khi đi du lịch trở về từ một số nước, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết đã chững lại trong những tuần gần đây nhưng hiện đang vào thời điểm mùa mưa kèm theo các diễn biến bất thường của thời tiết tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết phát triển nên vẫn có nguy cơ gia tăng nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.
Để chủ động phòng, chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đã có Công văn số 6606/BYT-DP ngày 05/9/2016 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết.
Theo đó, triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), huy động các ban ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước,...
Ngành y tế thực hiện tốt các công việc sau:
Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời.
Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus zika gửi về viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur khu vực để xét nghiệm nhằm đánh giá sự lưu hành của virus để chủ động triển khai biện pháp phòng chống.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) vừa qua đã công bố tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng về virus Zika. Giải pháp phòng ngừa tốt nhất là chống bị muỗi đốt.
Trong một số trường hợp, Zika có thể gây ra bệnh bại liệt (Hội chứng Guillain-Barre). Ở phụ nữ mang thai, virus Zika có thể gây dị tật bẩm sinh.
Khi nhiễm vi-rút này, các triệu chứng thường nhẹ và kéo dài chưa đến một tuần. Các triệu chứng bao gồm sốt, phát ban, đau khớp và đỏ mắt.
Không có vắc-xin hay cách điều trị cụ thể.
Thay vào đó, cách điều trị tập trung vào việc giảm nhẹ triệu chứng, bao gồm nghỉ ngơi, bù nước và sử dụng paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Nên tránh aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen.