Sau nhiều lần đoán già đoán non, bảng xếp hạng top 10 lợi nhuận ngân hàng đã lộ diện. So với những năm trước đây, bảng xếp hạng này đã có nhiều thay đổi thú vị. Quy mô lợi nhuận của Top 10 ngân hàng đã tăng trưởng gần 35% trong 1 năm qua, đạt tổng hơn 83.000 tỷ đồng; trong đó có nhiều xáo trộn về vị trí, một ngân hàng bị đánh bật ra khỏi Top 10 và tốc độ tăng trưởng không đồng đều cho thấy sự phân hóa ngày càng lớn ngay giữa các ngân hàng lớn.
Từ những năm 2017 trở về trước, vị trí số 1 về lợi nhuận trong hệ thống luôn được 3 "ông lớn" BIDV, VietinBank, Vietcombank thay phiên nhau nắm giữ và khó phân thắng bại. Tuy nhiên cho đến nay, vị trí số 1 đã bị Vietcombank dành phần và bỏ xa hàng loạt nhà băng phía sau.
Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2018 đạt trên 18.300 tỷ đồng còn BIDV chỉ đạt 9.625 tỷ. Tại VietinBank, trong một lần chia sẻ với báo giới gần đây, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch ngân hàng nói rằng mặc dù gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận của nhà băng cũng đã vượt kế hoạch năm 3%, tức ước tính khoảng 6.900 tỷ đồng.
Vietcombank đang tỏ ra có quá nhiều lợi thế và thuận lợi trong để giữ vững vị trí số 1 khi vừa nâng vốn điều lệ lên gần 37.000 tỷ, là một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng Basel II mà theo đó sẽ được NHNN giao cho chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, tức cơ hội lợi nhuận lại càng lớn hơn.
Năm 2018 là năm đầu tiên đánh dấu một ngân hàng tư nhân lọt vào Top 3 lợi nhuận: Techcombank. Đặt ra kế hoạch 10.000 tỷ trong năm nay, nhưng thực tế nhà băng này đã vượt kế hoạch 6%. Trong vòng 3 năm, quy mô lợi nhuận của Techcombank đã tăng hơn 2,5 lần, theo đó năm 2018, ngân hàng này vượt qua VPBank, Vietinbank và BIDV để chỉ đứng sau "ông lớn" Vietcombank.
Cả BIDV và VietinBank đều bị lùi về sau. Trong khi BIDV bị lùi xuống vị trí thứ 3 thì VietinBank còn không lọt vào top 5 lợi nhuận, xếp sau cả Agribank, MBBank và VPBank. Ngân hàng tiếp tục có một năm bế tắc trong việc tăng vốn, theo đó buộc phải giảm dư nợ tín dụng trong quý 4/2018 vừa qua, khiến kết quả kinh doanh sụt giảm so với năm 2017. Theo như Chủ tịch VietinBank chia sẻ thì các biện pháp thực hiện tăng vốn trong những năm vừa qua đã tới hạn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã lên mức tối đa 30%, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước về tối thiểu 65%. Ngân hàng đang đề xuất tới Chính phủ để được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, trong đó đề nghị được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ 2017-2020.
Tại MB, ngân hàng đã có một năm tăng trưởng mạnh mẽ, đạt LNTT hơn 7.700 tỷ đồng để đứng thứ 5 về lợi nhuận. Còn VPBank mặc dù chưa hoàn thành kế hoạch năm nhưng với 9.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhà băng tiếp tục củng cố vị trí thứ 4.
Như vậy, Top 5 lợi nhuận ngân hàng trong năm 2018 có sự góp mặt của 3 ngân hàng tư nhân là Techcombank, VPBank, MB.
Lọt vào Top 10 lợi nhuận ngân hàng trong năm 2017, nhưng năm 2018 LienVietPostBank đã tuột khỏi nhóm này do kết quả kinh doanh sụt giảm. Lãi trước thuế của nhà băng này chỉ đạt 1.213 tỷ đổng, giảm 31,4%. Hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối là điểm sáng duy nhất, có tăng trưởng dương trong các mảng kinh doanh của LienVietPostBank.
Thế chỗ của LienVietPostBank đang tạm thời là VIB với hơn 2.742 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 95% so với cùng kỳ. Hai nhà băng có kết quả tương đương với VIB trong 9 tháng đầu năm là OCB và TPBank thì TPBank mới công bố mức lãi hơn 2.200 tỷ đồng.
Sự phân hóa ngày càng lớn trong hệ thống
Mức tăng trưởng bình quân của Top 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất năm 2018 (Vietcombank, Techcombank, BIDV, VPBank, MBBank, Agribank, VietinBank, ACB, HDBank, VIB) là 35%. Nhiều ngân hàng tăng trưởng rất cao, trên 1,5 lần như Vietcombank, MBBank, ACB, HDBank, VIB. Tuy nhiên, cũng có 4 ngân hàng tăng trưởng dưới mức 35% là BIDV, VPBank, Techcombank và VietinBank.
Xét về con số tuyệt đối, Vietcombank, ACB và MBBank là 3 ngân hàng tăng lợi nhuận nhiều nhất so với năm 2017, lần lượt tăng gần 7.000 tỷ, hơn 3.700 tỷ và 3.100 tỷ.
Những ngân hàng có lãi nghìn tỷ, ngoài 10 ngân hàng kể trên thì còn có thêm khoảng 7 cái tên khác là Sacombank, Eximbank, LienVietPostBank, SHB, OCB, TPBank.
Lợi nhuận ngành ngân hàng liên tiếp bùng nổ trong 2 năm qua nhờ tập trung vào mảng bán lẻ, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, bắt tay với các hãng bảo hiểm và tăng cường xử lý nợ. Tuy nhiên, sự phân hóa trong hệ thống cũng ngày càng lớn hơn khi loạt ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng vẫn đang loay hoay để cạnh tranh, bứt phá.
Nhiều dự báo cho rằng, đà tăng trong 2 năm qua sẽ bắt đầu chậm lại từ năm 2019. Dẫu vậy, các ngân hàng vẫn tương đối lạc quan về môi trường kinh doanh và sức tăng trưởng trong thời gian tới. Kết quả khảo sát của Vụ dự báo thống kê cho thấy, 86% TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của đơn vị mình được cải thiện hơn trong năm 2018 so với cuối năm 2017 và dự báo trong năm 2019, khoảng 88% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện nhiều".