Ðà tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã bứt phá nhanh trong tháng 10 và 11 khi chỉ chưa đầy hai tháng đã tăng thêm 2,37% - gấp hơn hai lần mức bình quân các tháng đầu năm. Các chuyên gia trong ngành dự báo, cả năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt xấp xỉ 10%. Ngay khi bước vào tháng 12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã công bố một chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi.

Cụ thể, Sacombank phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn bảy năm, trong đó năm đầu tiên lãi suất của sản phẩm này ở mức 7%/năm; từ năm thứ hai trở đi sẽ lấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của bốn NHTM Nhà nước ngày 26-11-2020 và cộng thêm 1,2% để ra lãi suất cho chứng chỉ tiền gửi thời kỳ tiếp theo. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng lên đến 7,5%/năm. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng thông báo phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng vào ngày đầu tháng 12-2020.

Trong khi đó, để kích cầu tín dụng, nhiều NHTM cũng đồng thời triển khai các gói cho vay ưu đãi. Ðơn cử như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), đến ngày 31-12, mọi khách hàng thuộc phân khúc nhỏ, siêu nhỏ (doanh thu dưới 40 tỷ đồng/năm) sẽ được VPBank cấp hạn mức và giải ngân khoản vay không tài sản bảo đảm từ 500 triệu đồng hoặc khoản có tài sản bảo đảm từ 1,5 tỷ đồng. Khách hàng tham gia chương trình.

Đặc biệt, khách hàng tham gia chương trình sẽ được VPBank giảm thêm 0,5% lãi suất so với lãi suất công bố của ngân hàng. Với quy trình thẩm định và xét duyệt khoản vay đã được đơn giản hóa với hình thức đa dạng, linh hoạt, doanh nghiệp có thể dễ dàng chứng minh năng lực trả nợ bằng kế hoạch kinh doanh, báo cáo thuế, sổ tay doanh thu, số năm kinh nghiệm và năng lực chuyên môn của chủ doanh nghiệp. Khi khâu xét duyệt hoàn thành, doanh nghiệp sẽ nhận giải ngân ngay trong ngày mà không phải tới ngân hàng.

 

Theo Mi Trần/Đô Thị Mới