Theo Cục Hàng không, trên chuyến bay VN240 từ TP HCM ra Hà Nội ngày 16/7, khi máy bay đang giảm độ cao để hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, hành khách Vũ Lệ Quyên (ghế 11B) và Lê Đức Huy (ghế 11C) đã cho bé trai 4 tuổi (ghế 11A) tiểu tiện vào túi nôn trang bị trên tàu bay.
Với hành vi này, theo nghị định 147 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Cục Hàng không đã phạt 4 triệu đồng mỗi người.
Trao đổi với báo Tiền Phong, Chánh thanh tra Cục Hàng không Nguyễn Trọng Thắng cho biết, trước khi quyết định xử phạt, Cục Hàng không chỉ đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam xác minh sự việc. Theo đó, Cảng vụ mời vợ chồng ca sỹ Lệ Quyên (có khi gia đình ca sỹ cử thư ký đi thay) để làm rõ. Tiếp viên chuyến bay cũng được mời đến.
Trong quá trình xác minh, có một buổi gia đình Lệ Quyên và tiếp viên cùng làm việc để làm rõ các điểm khúc mắc. Cuối cùng, biên bản vi phạm được lập ngày 25/7; hai vợ chồng ca sỹ Lệ Quyênmỗi người ký một biên bản.
Ông Thắng cho hay, xét thấy tình huống phức tạp, nhất là liên quan đến trẻ em, Cục tiến hành thực nghiệm và cho thấy: Gia đình Lệ Quyên ngồi hàng ghế thứ 2 trong khoang phổ thông đặc biệt (ông Huy ngồi ngoài cùng) chỉ cách cửa nhà vệ sinh 2 m. “Thực nghiệm cho thấy, thời gian đưa cháu nhỏ vào nhà vệ sinh ít hơn rất nhiều so với việc xé lần lượt hai túi nôn, thổi phồng rồi lồng vào nhau” – ông Thắng nhân định.
“Chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình chứ không từ một sức ép nào cả”. Ông Thắng cũng phủ nhận thông tin cho rằng, Cục đã phải thông báo “cấm bay” ca sỹ Lệ Quyên để cô này đến làm việc. “Hai vợ chồng ca sỹ đến làm việc rất lịch sự, cởi mở” – ông Thắng nói.
Về tình huống tàu bay đang hạ cánh, khó thực hiện việc tiểu tiện cho bé ở nhà vệ sinh, ông Thắng cho biết: Hướng dẫn viên đã nói “hạn chế sử dụng nhà vệ sinh”; như vậy hành khách vẫn có thể sử dụng nhà vệ sinh. “Chúng tôi rất phân vân vì sự việc liên quan đến cháu bé nhưng xem xét kỹ, bố mẹ cháu hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng họ không làm.
Hành vi này vi phạm trật tự, kỷ luật trên tàu bay – một không gian công cộng nhưng chật hẹp, mật độ người đông. Theo quy định xử phạt từ 3-5 triệu đồng; chúng tôi đã quyết định xử phạt 4 triệu đồng” – ông Thắng nói.
Tuy nhiên, luật sư Trần Đình Triển cho rằng, việc tiếp viên khuyến cáo “hạn chế sử dụng tàu bay”bao hàm việc cảnh báo không nên sử dụng.
Theo ông Triển, khi máy bay hạ độ cao hạ cánh mất thăng bằng. Việc đưa trẻ vào nhà vệ sinh lúc đó sẽ không an toàn bằng việc cho đi tiểu vào túi nôn. “Việc một đứa trẻ tè vào túi nôn sẽ không ảnh trật tự, kỷ luật bằng việc một người nôn trên tàu bay. Xét về cả tình và lý, tôi cho rằng chỉ nên nhắc nhở, không nên xử phạt”, luật sư Triển nói.
Một trong những điểm đáng nói trong sự việc là Cục Hàng không thông tin đích danh tên con trai 4 tuổi của Lệ Quyên. Luật sư Triển cho rằng việc này ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ em – đối tượng được pháp luật dân sự và hình sự luôn có xu hướng giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư Triển đề nghị Cục Hàng không cần rút kinh nghiệm về việc này. Nhiều cán bộ của Cục Hàng không cũng thừa nhận, việc công khai tên tuổi của cậu bé mới 4 tuổi là không nên.
Hành khách phản pháo Lệ Quyên vụ "con tè túi nôn"
Sau khi hai vợ chồng Lệ Quyên bị xử phạt mỗi người 4 triệu đồng vì cho con tè vào túi nôn trên máy bay A350, ca sĩ này đã có bài trả lời phỏng vấn trên báo Vnexpress, giãi bày và kể lại câu chuyện lúc đó.
Theo Lệ Quyên, cô vừa đi Mỹ về vào ngày 15/7, trưa 16/7, vợ chồng cô cùng con trai hơn bốn tuổi rưỡi và vài thành viên trong gia đình từ Sài Gòn bay ra Hà Nội ăn giỗ bố. "Lúc máy bay sắp hạ cánh, tôi đang trong tình trạng rất mệt mỏi vì thiếu ngủ trầm trọng từ chuyến đi Mỹ trước đó.
Lúc chuẩn bị hạ cánh, con trai tôi đang ngủ bật choàng dậy kêu lên: "Mẹ ơi, Bo buồn tè quá". Trước đó, có lúc chồng tôi nhỏm dậy đã bị cô tiếp viên nhắc không được đứng lên. Vì nghĩ không còn kịp đứng lên để mang bé đi vào nhà vệ sinh được, tôi nhanh chóng nghĩ ra cách dùng túi nôn cho con tè vào", Lệ Quyên kể.
Cũng theo Lệ Quyên, vì cô đang mệt nên chồng tôi lấy hai túi nôn lồng vào nhau hứng cho bé. "Bé là con trai nên giải quyết nhanh gọn, sạch sẽ. Nhưng đây là lần đầu tiên trên một chuyến bay bé bị buồn tè bất ngờ, buộc tôi phải xử trí như thế. Việc cho con tè vào túi nôn là một sự bất đắc dĩ, để giữ vệ sinh cho chỗ ngồi, cho chuyến bay".
Tuy nhiên, phản ánh với Báo Giao thông, một hành khách (xin giấu tên) ngồi rất gần với ca sĩ Lệ Quyên trên chuyến bay VN240 cho rằng sự việc hoàn toàn không như những gì ca sĩ này kể lại. Vị này cho biết, trước khi lên máy bay mình đã khá khó chịu vì Lệ Quyên nói to, gây ồn ào khi vào phòng chờ hạng thương gia.
"Tôi nhận ra đó là ca sĩ Lệ Quyên và gia đình nên khi ngồi trên máy bay, tôi thỉnh thoảng có để ý đến cô này. Từ đầu, tôi không thấy Lệ Quyên có biểu hiện gì mệt mỏi.
Trên máy bay, cô thường xuyên sử dụng điện thoại còn cậu bé có vẻ khá hiếu động và nghịch ngợm trong suốt chuyến bay. Tôi còn nghe Lệ Quyên nhiều lần nhắc nhở con", hành khách này kể.
Vị khách cũng khẳng định cậu bé không hề ngủ và choàng dậy kêu "buồn tè" như Lệ Quyên nói. "Khi thấy Tiếp viên trưởng cau mày nhắc nhở, tôi quay qua thì thấy cháu bé không mặc quần, đứng hẳn lên ghế máy bay", vị khách nói.
Cũng theo hành khách này, Lệ Quyên đã bao biện cho hành động thiếu ý thức của mình.
"Cô ấy chỉ ngồi cách nhà vệ sinh đúng 1 hàng ghế. Việc cô ấy cởi quần cháu bé ra, cho đứng lên ghế, xé 2 cái túi nôn lồng vào nhau rồi cho con tè vào còn mất thời gian hơn rất nhiều việc đưa cháu bé vào nhà vệ sinh cách đó vài bước chân.
Thậm chí, việc cho con đứng lên ghế đi tè còn nguy hiểm hơn nhiều việc đưa con vào nhà vệ sinh. Nếu cô ấy mệt thì đã có người chồng khỏe mạnh ở ngay bên cạnh.
Là người đi máy bay rất nhiều, cô ấy cũng thừa hiểu thời điểm đó những hành khách trên chuyến bay chỉ được khuyến cáo là hạn chế vào nhà vệ sinh chứ không cấm. Không thể trách được cháu bé nhưng nếu là một người mẹ có ý thức, cô ấy đã không hành xử như vậy", vị khách nhận định.
"Nhiều người không chứng kiến hành động thiếu văn hóa của Lệ Quyên cho rằng có thể thông cảm được vì đó là cách hành xử thông thường của một bà mẹ.
Cứ cho việc Lệ Quyên "nhanh trí trong trường hợp bất đắc dĩ" là thật thì tôi cũng không đồng tình với cách nghĩ "thông cảm" như vậy.
Việc không có sự chuẩn bị cho con, không lường trước được những việc đơn giản như thế khi đi máy bay cùng con nhỏ cũng đã là thiếu ý thức rồi", hành khách đi cùng Lệ Quyên quả quyết./.
Cũng trong bài phỏng vấn, Lệ Quyên cho rằng người tung ảnh lên Facebook và kể lại sự việc cô cho con tè vào túi nôn trên máy bay đã đơm đặt, kể lại câu chuyện khác với bối cảnh thực tế. Trao đổi với Báo Giao thông, một hành khách khác trên chuyến bay và cũng là người đầu tiên đăng ảnh, status lên Facebook cá nhân thể hiện sự bức xúc về hành vi "cho con tè vào túi nôn" nói: "Nếu bạn nhìn thấy hành vi như thế, liệu bạn có bức xúc giống tôi hay không? Tôi chắc chắn là có vì tiếp viên không hề cấm bạn sử dụng toilet. Tôi bảo lưu quan điểm trên status của mình. Cần nói thêm, ngay từ đầu tôi chỉ muốn nêu lên hành vi không đẹp này như là một ứng xử thiếu văn hóa và cần phải thay đổi mà thôi. Tôi không hề có ý chỉ trích cá nhân vì sau đó tôi mới phát hiện ra đó là ca sĩ nổi tiếng. Nếu bạn hỏi tôi đó là ai tôi cũng sẽ không trả lời. Tôi chỉ mong những ý kiến của mình góp phần làm cho hành khách đi máy bay văn minh hơn. Đặc biệt, đây lại là chiếc máy bay hiện đại nhất và là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Nếu tôi là cô ấy, tôi sẽ xin lỗi tất cả mọi người. Chắc chắn mọi người sẽ bỏ qua!". |
Theo khoản 4, điều 24, Nghị định 147 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi sau đây: a) Gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; b) Vào khu vực hạn chế, lên tàu bay mà không qua kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không; c) Người chỉ huy tàu bay không khóa chốt cửa buồng lái tàu bay theo quy định trong thời gian tàu bay đang bay; d) Vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay; đ) Tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học mà chưa gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng; e) Đưa người, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư và các đồ vật khác chưa qua kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay. |