Trong vụ việc người tiêu dùng liên tiêp phản ánh đến cơ quan báo chí về sản phẩm của Zara kém chất lượng, nhập nhèm về tem mác theo bài viết “Zara Việt Nam: Sự nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ đến “nực cười” ; Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết Nối đã có những quan điểm cụ thể bảo vệ người tiêu dùng.
Theo thông tin từ bài viết, người tiêu dùng liên tiếp phản ánh đến cơ quan báo chí về sản phẩm của Zara kém chất lượng, nhập nhèm về tem mác gây hoang mang dư luận, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng: “Đầu tiên phải khẳng định Zara là một thương hiệu thời trang nổi tiếng. Để phân phối và kinh doanh tại Việt Nam thì hàng hóa phải qua khâu kiểm duyệt tại cơ quan hải quan trước khi được phân phối đến các cửa hàng quần áo và đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên thời gian gần đây các bài viết có liên quan đến việc sản phẩm của Zara kém chất lượng, tem mác, nhãn dán không thống nhất được đăng tải rất nhiều khiến cho người tiêu dùng vô cùng hoang mang về xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Trước hết, bất cứ quan điểm nào đưa ra cũng phải căn cứ vào quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và lợi ích của người tiêu dùng”.
PV. Thưa luật sư trong sự việc “Zara Việt Nam có dấu hiệu nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”, cụ thể: Zara gắn mác của một bên nhà sản xuất và tem phụ một bên nhà sản xuất khác thì có thể nói là nhầm lẫn do quá nhiều mẫu hàng hay không?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Được hiểu là nhầm lẫn khi bị người khác, hoặc không may, vô tình thực hiện hành động nào đó mà không có chủ đích trước. Rõ ràng Zara không thuộc trường hợp nhầm lẫn được. Bởi họ chủ động in ấn nhãn mác, tem phụ của nhà sản xuất khác rồi gắn lên sản phẩm. Đây là hành động có chủ định, được lên kế hoạch chi tiết, rõ ràng. Hành vi này cũng được coi là vi phạm quy định về việc buôn bán hàng giả, lừa dối khách hàng.
PV. Ở một hướng trả lời khác đại diện nhà phân phối Zara Việt Nam cho rằng: “Do khách thử nhiều nên quần áo bị hỏng, mác bị bung. Lỗi này do khách hàng không phải do nhà phân phối (trong khi đó hàng lỗi Zara vẫn treo trên kệ bày bán). Đây có được coi là hành động thoái thác, đổ lỗi cho khách hàng của Zara hay không?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Trường hợp này chắc chắn được hiểu là Zara cố tình thoái thác, đổ lỗi cho khách hàng. Khi quần áo hỏng, nhãn mác bung vẫn cố tình đưa sản phẩm kém chất lượng này lên kệ để bán. Quy trình gắn nhãn mác lên sản phẩm là quần áo không phải là hành động dán dính thông thường để nói là bóc ra, dán lại mà được khâu dính trực tiếp vào sản phẩm, đương nhiên nhãn mác, sản phẩm chỉ có bị rách, hỏng chứ không có chuyện bong ra.
PV. Thưa luật sư, quy trình Công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam – Nhà phân phối nhãn hiệu Zara tại Việt Nam về việc nhập khẩu và phân phối hàng hoá sẽ thực hiện như thế nào?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Nhà phân phối có trách nhiệm cung cấp chính xác thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, dán đúng nhãn mác, có xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Có thể thấy Công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam đã vi phạm quy định về việc cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nhãn mác sản phẩm, có dấu hiệu vi phạm quy định về buôn bán hàng giả, lừa dối khách hàng.
Công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam là nhà phân phối nhãn hiệu Zara tại Việt Nam, do đó khi nhập khẩu và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải tuân thủ quy định về kiểm duyệt chất lượng sản phẩm, kiểm tra xuất xứ hàng hóa và nhãn dán đúng xuất xứ sản phẩm theo quy định tại Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa:
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.
2. Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt.
Zara là một thương hiệu lớn, do đó khi xuất khẩu sản phẩm đã phải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, bảo đảm hàng hóa cả về chất lượng lẫn nhãn mác sản phẩm. Công ty Mitra Adiperkasa là nhà phân phối nhãn hiệu Zara tại Việt Nam phải thực hiện theo đúng quy trình mà Zara đặt ra khi nhập khẩu phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng và phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, sản phẩm theo quy định tại Điều 13 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010:
1. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm:
a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;
c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;
d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo. Luật bảo vệ quyền lợi ngừoi tiêu dùng, người tiêu dùng;
Việc cung cấp đúng thông tin về nhãn hiệu, tem mác của sản phẩm là trách nhiệm của Công ty Mitra Adiperkasa, bởi điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng khi mua sản phẩm của Zara do Công ty Mitra Adiperkasa phân phối.
Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Công ty Mitra Adiperkasa bởi số lượng sản phẩm được phản ánh về sai nhãn, tem mác không phải là ít, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của Công ty trong khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong việc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng do cung cấp thông tin không chính xác về hàng hóa mà công ty cung cấp căn cứ theo Điều 10 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010:
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:
a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;
b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
PV. Trong trường hợp khách hàng phát hiện hàng hoá có "dấu hiệu nhập nhèm” thì nhà phân phối có trách nhiệm gì đối với khách hàng thưa luật sư?.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Nhà phân phối phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin sản phẩm, xin lỗi khách hàng và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng và niêm yết đúng giá sản phẩm.
PV. Nhà nước và pháp luật Việt Nam có quy định nào cụ thể về việc xử lý đơn vị phân phối, cung cấp hàng hoá không rõ nguồn gốc hay không?
Hiện tại nhà nước có quy định cụ thể là Nghị định 185/2013/NĐ-CP hướng dẫn quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ Luật hình sự xử lý các hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm và xử lý hành vi lừa dối khách hàng.
PV. Với dấu hiệu nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ hàng hoá như vậy thì đơn vị, cơ quan chức năng nào cần vào cuộc?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Cơ quan Quản lý thị trường, Công an kinh tế cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ những sai phạm của công ty phấn phối liên quan đến hành vi buôn bán hàng giả, lừa dối khách hàng.
Cảm ơn luật sư đã có những quan điểm bảo vệ người tiêu dùng, cũng như những chia sẽ thông tin pháp luật hữu ích đến độc giả.
Để làm rõ trách nhiệm, phương án xử lý, thanh kiểm tra về sản phẩm của thương hiệu Zara đang được phân phối tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan sở tại, đơn vị có chức năng thẩm quyền.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.