Hãy điều tra đến cùng để tìm ra đường dây sản xuất sách giả
Đây chính là lời cầu khẩn tha thiết của ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) - người liên tục kêu gọi, đấu tranh cho cuộc chiến “Sản xuất, tiêu thụ sách giả giết chết ngành xuất bản” sau khi First News công bố các bằng chứng tố Shopee, Sendo và Lazada kinh doanh, tiêu thụ sách giả vi phạm pháp luật trong buổi họp báo tại TP.HCM vào ngày 18/6 vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Phước nhận thấy diễn biến phức tạp của tình trạng in lậu trong thời gian gần đây, nhất là các sàn TMĐT vô tình trở thành phương tiện tiếp tay cho hành vi phát tán sách lậu. Các sạn TMĐT cho các đơn vị thuê gian hàng trên sàn của mình để kinh doanh với đủ mọi nguồn gốc, mẫu mã, sản phẩm và chất lượng khác nhau. Trong khi, các chủ shop này lại gần như được thả tự do buôn bán những gì mình muốn.
Ngay sau khi ông Phước đưa ra cáo buộc trên, 3 sàn TMĐT bị nêu tên đã đồng loạt lên tiếng nói rằng họ không nhận được cảnh báo của First News về việc sách giả, sách in lậu được tiêu thụ công khai trên sàn. Họ luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ cùng các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan để xử lý, ngăn chặn kịp thời tất cả các hành vi vi phạm của người bán, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Sự “chối đẩy” trách nhiệm này của Shopee, Sendo và Lazada đã khiến cho vị Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt bất ngờ. Theo ông Phước, mê hồn trận sách giả trên các sàn TMĐT lừa đảo bạn đọc tiếp tay trực tiếp cho các đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả hoành hành, bất chấp luật pháp ở Việt Nam, thu lợi bất chính trên mồ hôi tâm sức của bao người đang giết chết các tác giả, các nhà xuất bản (NXB) và đơn vị xuất bản chân chính ở Việt Nam.
“Việc các sàn bán sách TMĐT tiếp tay tiêu thụ sách lậu đánh lừa bạn đọc diễn ra đã nhiều năm nay. Hiện tại đang có gần 1.000 trang bán, tiêu thụ sách giả lớn nhỏ. Chúng tôi đã cảnh báo nêu đích danh tên các sàn Sendo, Shopee, Lazada suốt thời gian qua trên mạng xã hội và cả báo chí mà các đơn vị này hầu như bất chấp, xem thường”, ông Phước khẳng định.
Để chứng minh cho điều mình tố cáo, ông Phước đưa ra các bằng chứng cụ thể First News đã đặt mua sách trên 3 sàn TMĐT và phát hiện cả 3 đều bán sách giả, sách in lậu. Theo ông, các sàn này trực tiếp nhận đơn hàng, trực tiếp đến đóng góp chuyển giao sách giả cho bạn đọc cả nước thì không thể nói vô can, không có trách nhiệm về việc tiếp tay tiêu thụ hàng gian, hàng giả vi phạm luật này.
“Các sàn bán sách giả đó khi nhận biết phải ngưng ngay lập tức việc thông đồng tiếp tay bán sách giả lừa đảo bạn đọc - chứ không phải yêu cầu First News phải gửi văn bản và đến gặp họ. Sự việc ngày càng nghiêm trọng nên chúng tôi buộc phải tiến hành đặt sách rồi quay lại quá trình đặt giao sách giả và lập vi bằng Thừa Phát Lại để tiến hành các bước pháp lý nghiêm túc”, ông Phước nói.
Phát hiện ra sách giả, sách được in lậu chỉ là khâu đầu tiên trong quá trình đấu tranh “Sản xuất, tiêu thụ sách giả giết chết ngành xuất bản”, điều mà vị Giám đốc này quan tâm nhất chính là khối lượng khổng lồ sách in lậu, làm giả đó đến từ đâu, đơn vị nào sản xuất chúng? Bởi đây mới là gốc rễ của vấn đề nhằm triệt phá hoàn toàn đường dây sản xuất sách giả.
Một tác giả, một NXB muốn xuất bản, in ấn một tác phẩm có giấy phép phải trải qua hàng chục thủ tục, hợp đồng, kiểm tra rất chặt chẽ từ nhiều phía, sơ suất, sai một chút là bị phạt ngay lập tức, trong khi, hàng chục ngàn đầu sách giả được sản xuất, gia công, in ấn trái pháp luật, được vận chuyển, giao hàng, tiêu thụ tấp nập hàng ngày hàng lại ngang nhiên công khai?
“Tại sao 3 sàn TMĐT Shopee, Sendo và Lazada lại không biết hay không một ai biết được khối lượng khổng lồ sách in lậu, làm giả đó đến từ đâu ? Và những ai, thế lực đen nào thực sự đứng phía sau?”, ông Phước đặt nghi vấn.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẵn sàng phối hợp với First News triệt phá đường dây in sách lậu
Vấn đề sách lậu không mới nhưng thời gian gần đây nó diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Táo tợn hơn, nhiều đơn vị còn bày bán công khai, không có sự kiểm soát như 3 sàn Sendo, Shopee, Lazada. Điều này khiến cho nhiều đơn vị sản xuất sách hợp pháp bị cạnh tranh khốc liệt, nặng nề hơn là lỗ vốn.
Theo thông tin đưa ra từ NXB Trẻ, có thời điểm, đơn vị này phải giảm giá hàng loạt ấn phẩm xuống còn khoảng 5.000 đến 10.000 đồng/1 bản, chấp nhận bù lỗ để không lỗ nặng hơn. Cùng với đó, năm 2015, NXB Giáo dục Việt Nam lỗ 45,92 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 48,22 tỷ đồng, năm 2017 lỗ khoảng 40 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính tổng thiệt hại của các NXB thì con số sẽ lớn như thế nào?
Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã bắt giữ và xử lý hàng loạt các cơ sở, đơn vị in và tiêu thụ sách lậu nhưng tình trạng này vẫn không hề giảm sút. Vậy nguyên nhân do đâu khiến cho người dân vẫn dễ dàng mua được sách lậu ở khắp mọi nơi trên cả nước?
Theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản thì hành vi in sách lậu từ 300 bản trở lên có thể bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Chính điều này đã tạo cơ hội cho nhiều cơ sở nộp phạt rồi lại hoạt động với quy mô lớn hơn và thủ đoạn tinh vi hơn. Ngoài ra, nhân tố quyết định sự thành bại trong việc chống sách lậu chính là bạn đọc – những người bỏ tiền mua sách.
Theo ông Phước, chỉ khi họ có ý thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì vấn nạn ấy mới được giải quyết triệt để.
Trước thông tin First News tố cáo 3 sàn TMĐT Sendo, Shopee, Lazada với báo chí về việc tiếp tay cho việc buôn sách giả, ông Nguyễn Hữu Tuấn, trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, Cục chưa nhận được thông tin nào từ phía Công ty Trí Việt.
“Chúng tôi chưa nhận được đơn khiếu kiện nên chưa rõ nội dung chính xác họ muốn phản ánh là gì. Theo quy định, nếu có đầy đủ bằng chứng thì First News có thể khiếu kiện và Cục sẽ hỗ trợ xử lý một cách tối đa nhất. Họ muốn xác định được chính xác người bán và in thì có thể yêu cầu các đơn vị chức năng như quản lý thị trường, công an hay thanh tra bộ văn hóa liên quan đến in ấn và phát hành sách… để cùng nhau phối hợp nhằm tìm ra đơn vị in sách lậu”, ông Nguyễn Hữu Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, muốn có hiệu quả tốt nhất, First News nên phối hợp với các đơn vị chức năng, chứ không nên chỉ có động thái nói trên mạng xã hội bởi cuối cùng chỉ có các cơ quan chức năng mới có thẩm quyền giải quyết triệt để bằng pháp luật tình trạng này.
Như vậy, cuộc chiến “Sản xuất, tiêu thụ sách giả giết chết ngành xuất bản” là quá trình chiến đấu dài hơi, cần có sự phối hợp với các bên liên quan nhằm triệt phá được tận gốc đường dây in sách lậu. Trong đó, nhân tố góp phần quan trọng ngăn chặn mọi sự lây lan chính là bạn đọc – những người bỏ tiền mua sách.