Theo dữ liệu từ Oilprice cho thấy, thời điểm 7h ngày 17/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 86,8 USD/thùng, giảm 0,36 USD; dầu thô Brent giao dịch ở mức 92,3 USD/thùng, giảm 2,7 USD, tương đương 2,9%.

Theo giới phân tích, nhu cầu dầu thế giới đang chững lại, do tín hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày một rõ rệt, khi sản xuất tại Mỹ co lại trong tháng 7 và Trung Quốc cũng đón nhận hàng loạt số liệu yếu hơn dự báo.

Trong khi đó, cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng nhập hiện giảm còn 111 USD/thùng, tương đương mức giá ngày 16/2. Giá xăng trong nước khi đó là 25.320 đồng/lít. Nếu không tính thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng, giá xăng còn khoảng 22.000 đồng/lít.

Trước diễn biến đi xuống của giá dầu thế giới, trao đổi với báo chí, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng giá dầu thế giới nếu tiếp tục giữ đà giảm sẽ khiến giá xăng trong nước cũng giảm theo.
Trước diễn biến đi xuống của giá dầu thế giới, trao đổi với báo chí, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng giá dầu thế giới nếu tiếp tục giữ đà giảm sẽ khiến giá xăng trong nước cũng giảm theo.

“Từ nay đến trước ngày điều hành giá, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm hoặc được duy trì như hiện tại, chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ có lần giảm thứ 6 liên tiếp. Mức giảm tùy thuộc vào tình hình biến động giá thế giới những ngày tới và việc điều hành quỹ Bình ổn giá (BOG)”, vị này dự đoán.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước có 21 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng và 8 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước xuống tương đương mức giá cuối tháng 1.

Tại kỳ điều hành ngày 11/8, các doanh nghiệp đồng loạt giảm giá cho các mặt hàng xăng, dầu. Theo đó, giá xăng RON95 giảm 940 đồng/lít, giá bán còn 24.660 đồng/lít; xăng E5 giảm 900 đồng/lít, giá bán là 23.720 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel 0.05S-II giảm 1.000 đồng/lít, giá bán còn 22.900 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.210 đồng/lít, giá sau điều chỉnh là 23.320 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ mức nguyên giá là 16.540 đồng/kg.

Đáng chú ý, trong các kỳ điều hành gần đây, cơ quan quản lý đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít. Tuy nhiên, trong kỳ điều chỉnh ngày 11/8, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã không chi, nhưng lại thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 700 đồng/lít, với xăng RON 95 ở mức 750 đồng/lít.

Ở kỳ điều chỉnh này, nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính không tiến hành trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể giảm tới gần 1.700 đồng/lít và dầu diesel cũng có thể giảm tới 1.350 đồng/lít.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, hiện có 3 sắc thuế đối với xăng, dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT) đang đánh vào phần trăm (%) của giá bán lẻ xăng, dầu trên thị trường. Do đó, nếu giảm được các sắc thuế này thì giá xăng, dầu sẽ giảm được nhiều.

“Giảm thuế, phí đối với xăng, dầu sẽ tác động ngay đến nguồn thu ngân sách với những con số rất cụ thể. Ngược lại, nếu giá xăng, dầu vẫn ở mức cao, sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống mọi người dân. Hậu quả của tác động tiêu cực này chưa định lượng ngay được, nhưng chắc chắn là không nhỏ”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/xang-dau-trong-nuoc-van-rong-cua-de-giam-gia-70151.html