Hình ảnh này thực ra chẳng khó bắt gặp trước thời điểm dịch Covid-19 diễn ra. Bởi nó quen thuộc và có vẻ như đã đi vào nếp sống của người dân đô thị tại TP lớn. Tắc đường, kẹt xe xảy ra như cơm bữa... Chưa vội bàn đến vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông hay bố trí quản lý giao thông, mà xin lại bàn đến ý thức khi tham giao thông.
Thực tế, hàng ngày, chúng ta không khó để bắt gặp những con người chen lấn, giành đường đi xe kiểu "điền vào chỗ trống" bất chấp hậu quả, cuối cùng tất cả đều chôn chân tại chỗ. Và người ta cũng không ngần ngại phi xe lên vỉa hè, thậm chí đi xe ngược chiều trên vỉa hè để cốt sao thoát khỏi ùn tắc, nhanh được vài phút trên đường. Hai ngày qua, trên các tuyến đường trục chính như Cầu Giấy, Xuân Thủy, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh..., ken đặc phương tiện trong giờ cao điểm. Ô tô bất chấp chạy dàn hàng ngang, xe máy chẳng kém "hiên ngang" đi vào làn ô tô. Rồi cũng từ đó mà xảy ra va quệt, tai nạn, ẩu đả... không ít. Hay sáng hôm qua, trên đường La Thành, đoạn gần Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, một tài xế xe tải chở hàng thản nhiên quay đầu giữa đường. Hành vi này không những khiến hai chiều phương tiện bị ùn ứ một thời gian, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Các nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông và ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông đều đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ. Trong thời gian gần đây, mức xử lý đã tăng cao theo quy định mới tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020). Ví như đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng nếu đi sai làn đường sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng; tước Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng; tước Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng... Tuy vậy, lỗi vi phạm vẫn lặp đi lặp lại. Thế nên, điều quan trọng hơn, phải tạo dựng ý thức tự giác chấp hành luật giao thông. Xa hơn nữa, xây dựng thành công văn hóa giao thông. Như chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Lương (Cầu Giấy): “Một số người điều khiển giao thông ý thức kém, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, không chạy đúng làn đường..., rất nguy hiểm đến tính mạng và cả người đi đường. Thậm chí, người đó còn làm xấu đi hình ảnh một Hà Nội văn hiến".
Xây dựng văn hóa giao thông thực ra không khó. Vậy nên, không thể chờ đợi lâu mãi vậy. Mỗi người khi bước chân ra khỏi nhà hãy thực hiện đúng từng quy tắc tham gia giao thông. Chẳng hạn bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi xe trên vỉa hè; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông… Từ đó, tạo dựng một tương lai giao thông tươi sáng.