Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2, xuất khẩu thủy nước ta đạt 286,94 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến hết ngày 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 742 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.
ASEAN là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam sau Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU. Tháng 1/2023, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường ASEAN trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng lên 10,4% từ mức 7,13% của năm 2022. Trong khối ASEAN, thị trường Thái Lan là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất, sau đến Philippines là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 trong khối.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Thái Lan đạt 22,6 triệu USD trong tháng 1/2023, giảm 11,36% so với tháng 12/2022 và giảm 22,37% so với tháng 1/2022.
Philippines là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 trong khối, đạt 11,8 triệu USD trong tháng 1/2023, giảm 43,62% so với tháng 12/2022, nhưng tăng 57,85% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn tiếp theo của Việt Nam trong khối ASEAN gồm Malaysia, Singapore …
Trong thời gian tới ASEAN vẫn là thị trường thủy sản tiềm năng của Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thị trường này được dự báo tiếp tục tăng lên 51,5 kg/người/năm vào năm 2030 và sẽ tăng lên 61,5 kg/người/năm tới năm 2050.
Vasep nhận định, bức tranh xuất khẩu thủy sản khó có thể bừng sáng trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thủy sản sẽ không sụt giảm quá sâu và sẽ dần phục hồi trở lại. Nhất là các sản phẩm bình dân, có giá cả phải chăng như cá tra của Việt Nam sẽ có lợi thế hơn các sản phẩm phân khúc cao khác. Cá tra, basa là chủng loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường ASEAN, chiếm 30,5% trong tổng lượng thủy sản xuất khẩu
Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Sông Tiền, phân tích thủy sản là một trong những mặt hàng thực phẩm thiết yếu chỉ sau lương thực nên dù bối cảnh nào thì người tiêu dùng cũng cần sử dụng đến. Dự báo đến cuối quý 1 hoặc đầu quý 2 năm nay các khách hàng sẽ phải nhập hàng mới, khi mà các đơn hàng còn tồn đọng từ quý 4/2022 đã cạn kiệt. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng khả quan trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông để cải thiện đơn hàng
Năm 2023 nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của cuộc chiến thương mại mới có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn. Bối cảnh trên vừa là thách thức nhưng cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep cho biết các doanh nghiệp đều đang kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ được cải thiện và xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng từ quý 2/2023. Theo kịch bản khả quan đó, xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể mang về 10 tỷ USD.
Hướng tới mục tiêu đó, thời điểm này, doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo năng lực tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng ngay. Linh hoạt chuyển đổi quy trình và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm kịp thời với xu hướng tiêu dùng mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường nhất là các quốc gia phát triển và gia tăng xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần chuyển dịch chiến lược phát triển bền vững, tập trung cho sản xuất xanh, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn... về môi trường cũng như trách nhiệm xã hội.
Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng vào Trung Quốc khi thị trường này mở cửa trở lại, tuy nhiên, sự phục hồi này được đánh giá là phải từ quý II/2023. Đồng thời, ngành thủy sản của Việt Nam vẫn có sự lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023 như khu vực châu Á, Trung Đông
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xuat-khau-thuy-san-bat-tang-tro-lai-asean-thuoc-thi-truong-lon-324736.html