Trong nhóm các sản phẩm chủ lực, chỉ có cá ngừ duy trì tăng trưởng dương gần 12%, các mặt hàng khác đều giảm: tôm giảm gần 5%, cá tra giảm gần 12%, mực, bạch tuộc giảm 13%, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Năm 2019, XK tôm của Việt Nam đạt 3,38 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018. Trong đó, XK tôm chân trắng giảm 3,2% đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 70% giá trị tôm XK, tôm sú giảm mạnh 15% đạt 693 triệu USD, chiếm 20,5%, các sản phẩm tôm biển và tôm khác chiếm gần 10%.
Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu (NK) tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy XK tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018. XK giảm chủ yếu do kết quả XK nửa đầu năm kém, nửa cuối năm XK hồi phục dần dần. XK sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN đều giảm, trong khi chỉ tăng nhẹ tại Mỹ và tăng trưởng 2 con số tại Trung Quốc, Australia.
XK cá tra năm 2019 ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 11,7% so với năm 2018. Sản lượng cá tra tăng từ năm 2018 và đầu năm 2019 dẫn đến dư thừa nguồn cung, một số hộ nuôi tôm gặp khó chuyển sang nuôi cá tra, dẫn đến giá cá nguyên liệu và giá XK giảm trong thời gian gần đây.
XK cá tra sang thị trường Mỹ sụt giảm mạnh 49% còn 282 triệu USD, do lượng tồn kho tại thị trường cao, nhu cầu NK giảm, giá XK trung bình bị ép xuống mức thấp hơn 30 – 35% so với năm ngoái. Năm 2019 Mỹ chỉ còn chiếm 14% giá trị cá tra XK của Việt Nam, tụt xa so với vị thế số 1 của Trung Quốc (chiếm trên 32%). Hơn nữa thuế CBPG giai đoạn POR14 ở mức cao khiến cho các DN khó thâm nhập thị trường.
Mặc dù XK hải sản vẫn tăng 8% so với năm 2018 đạt trên 3,2 tỷ USD, nhưng chủ yếu tăng ở cá ngừ (tăng 12% đạt 728 triệu USD) và các loại cá biển khác (tăng 15% đạt 1,65 tỷ USD). Trong đó tới 65-70% doanh số thu được từ cá ngừ và cá biển khác là từ nguồn nguyên liệu NK.
XK hải sản tăng chủ yếu ở các thị trường khác, trong khi XK sang thị trường EU sụt giảm 11,5%, trong đó cá ngừ giảm 11%, mực, BT giảm 20% và từ thị trường NK hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam, EU đã tụt xuống thứ 5 sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Kết quả này đã phản ánh hệ lụy của thẻ vàng IUU đối với XK hải sản của Việt Nam trong thời gian qua. EU đang là thị trường NK cá ngừ đứng thứ 2 sau Mỹ, chiếm 19% XK cá ngừ Việt Nam. Đối với mực, bạch tuộc EU là thị trường đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 12%.
XK mực, bạch tuộc năm 2019 giảm 13% đạt 585 triệu USD, không chỉ giảm ở thị trường EU mà tất cả các thị trường. Nguồn nguyên liệu khan hiếm, khó cạnh tranh với các nguồn cung khác tại các thị trường NK khiến XK liên tục sụt giảm.
Những yếu tố đang chi phối XK thủy sản trong năm 2019 như thuế chống bán phá giá tôm, cá tra tại Mỹ, thẻ vàng IUU đối với hải sản khai thác sang EU khó đoán định được sẽ có chiều hướng tốt hơn hay xấu đi trong năm tới. Do vậy, khó dự báo xu hướng XK sang 2 thị trường chủ lực này. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn sụt giảm, XK sang thị trường Trung Quốc đã hồi phục và dự đoán XK sang đây sẽ tiếp tục tăng nhất là 2 mặt hàng tôm và cá tra. Thị trường này được đánh giá sẽ là thị trường quan trọng trong những năm tới. XK sang Nhật Bản có thể vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định quanh mức 10%, sau khi tăng khoảng 8% năm 2019. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh sẽ khá lớn tại 2 thị trường này, khi mà tôm Ecuador và Ấn Độ đang chiếm lĩnh hơn nửa thị phần tại Trung Quốc. Các nước sản xuất khác đều có xu hướng tăng sản lượng và đẩy mạnh XK sang những thị trường này.
Bên cạnh việc ứng phó, khắc phục các vướng mắc tại các thị trường XK, nếu ngành thủy sản được sự ủng hộ, tạo điều kiện thúc đẩy hợp lý, hiệu quả thì XK thủy sản năm 2020 có thể sẽ tăng trưởng trở lại và đạt 9,3 – 9,5 tỷ USD, tăng 8-9% so với năm 2019.