Báo cáo phân tích ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán BOS cho thấy tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng Việt Nam tăng trưởng mạnh trong quý I/2021 khi tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam đạt 109.765 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng chung là 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ hoạt động dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong quý I khi tăng 57,7% so với cùng kỳ, tiếp đến là hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng 32,7%. Thu nhập từ lãi thuần cũng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhưng thấp hơn so với tổng thu nhập hoạt động.
Tổng thu nhập từ lãi thuần các ngân hàng niêm yết trong quý I/2021 đạt 82.357 tỷ đồng tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động.
Tổng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng niêm yết trong quý I/2021 đạt 41.876 tỷ đồng tăng 77% so với cùng kỳ năm trước và ở mức kỷ lục từ trước đến nay. Nhờ vào biên lãi ròng được cải thiện khi Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được trích lập dự phòng kéo dài trong 4 năm cũng như giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay bị ảnh hưởng của COVID-19 đã giảm áp lực về khoản chi phí này với các ngân hàng.
Song, bên cạnh số liệu tích cực đó thì lợi nhuận quý I/2021 không phản ánh đầy đủ chính xác xu hướng lợi nhuận của cả năm bởi nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp, số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn tăng lên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận các quý còn lại.
Đối với nợ xấu, theo thống kê tính đến ngày 31/3 tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng hiện đang niêm yết đạt 91.244 tỷ đồng, tăng 3.948 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng tăng nhẹ 0,02 điểm phần trăm lên mức 1,41%.
Để nợ xấu có thể dừng lại ở mốc này là do việc Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Các ngân hàng không phải trích lập dự phòng, làm giảm chi phí dự phòng, gia tăng lợi nhuận nhưng rủi ro cũng tăng lên, chứng khoán BOS nhận định.
Theo đó, 8 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm trước, nổi bật là KLB (Ngân hàng TMCP Kiên Long) giảm tới 3,85 điểm phần trăm. Trong khi đó, 17 ngân hàng khác đều có sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu với mức tăng trưởng trung bình từ 0,05 đến 0,1%.
Nhận định về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nợ xấu chắc chắn chịu nhiều áp lực tăng trong năm nay. Tuy nhiên không nên quá lo bởi các ngân hàng cũng đã lường trước tình huống này nên đã có sự chuẩn bị thông qua việc quyết liệt xử lý nợ xấu tồn đọng và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Vì thế nếu có vấn đề phát sinh thì ngân hàng cũng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến.
Song với năng lực tài chính và tỷ lệ bao nợ xấu nội bảng của các ngân hàng ngày càng cao cho thấy khả năng kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng vẫn khá tốt. Chẳng hạn như tại Vietcombank trong năm 2020 dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được cơ cấu lại tại Vietcombank chỉ 5.156 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ dự phòng rủi ro dư nợ cho vay nền kinh tế của ngân hàng này tại cùng thời điểm lên tới 19.242,7 tỷ đồng. Tỷ lệ bao nợ xấu nội bảng theo đó lên tới 368% - cao nhất hệ thống...
Tuy nhiên vấn đề đáng quan ngại lại nằm ở chỗ trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp mà sức khỏe của các ngân hàng trong hệ thống vẫn chưa thực sự đồng đều, ông Lực nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, nợ xấu trong năm 2021 có thể không ít hơn năm 2020 bởi hiện nay dịch COVID-19 không giảm như kỳ vọng mà thậm chí còn đang có xu hướng tăng trở lại, chính điều này làm cho nền kinh tế chưa thể mở cửa. Do đó, kinh tế năm 2021 chưa thể tiến triển thuận lợi hơn năm 2020.
Nguồn: https://congluan.vn/no-xau-ngan-hang-co-xu-huong-tang-tro-lai-do-tac-dong-cua-dai-dich-covid-19-post134647.html