Mâm cơm chiều 30 Tết phải có đủ bánh chưng, dưa, hành, nem...
Chiều 30 Tết người Việt Nam như chính thức ăn Tết cổ truyền, một nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời nay. Nhưng có lẽ hơn bao giờ hết một bữa cơm thịnh soạn cuối năm. Người Việt cho rằng sau khi cúng tổ tiên hay còn gọi là “đặt giường”, tất cả thành viên trong gia đình gồm nhiều thế hệ như ông bà, bố, mẹ, con, cháu sẽ xum vầy bên bữa cơm cuối cùng trong năm.
Theo quan niệm xưa, gia đình nào càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó “phúc lộc đề đa”, càng có nhiều may mắn. Cỗ cúng tất niên mỗi nơi mỗi khác, nhưng nhất thiết phải có đủ bánh chưng, dưa, hành, giò, nem, thịt đông….
Trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu ngũ quả, các đồ lễ đều phải tố hảo, tươi tốt nhất. Tùy từng gia đình mà có thêm câu đối đỏ “gậy ông vải” (thường là 2 cây mía còn đủ cả ngọn, lá tươi tốt, buộc khum vào nhau để hai bên bàn thờ).
Ngày nay, tuy nhịp sống công nghiệp gấp gáp, nhưng mọi gia đình vẫn duy trì cúng cơm tất niên như một nghi thức tốt đẹp. Việc mua sắm đồ lễ cũng nhanh gọn hơn. Có một thực tế là bên cạnh những người thực hiện nghi thức này theo đúng lệ xưa, đáng chê trách có nhiều người vẫn còn mua nhiều vàng mã đốt trong ngày lễ tất niên mà chưa chắc đã hiểu hết ý nghĩa của nghi thức đó, hoặc chọn những món ăn quá cầu kỳ tốn kém, không hợp khẩu vị và phong tục người Việt. Sự thành kính đâu cốt bởi đồ cúng lễ hay mâm cao cỗ đầy mà điều chính là phải ở tâm của mỗi người.
Gia đình hạnh phúc quây quần bên bữa cơm tất niên chiều 30 Tết
Sau khi mâm cỗ được sắp xếp đẹp mắt, con cháu cùng nhau kính cáo tổ tiên vừa là để tỏ lòng hiếu thảo, vừa là để mời gia tiên về ăn tết cùng gia đình. Từ xưa đến nay, bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn đơn thuần để hưởng thụ, mà không khí của bữa ăn còn có giá trị tinh thần rất lớn. Đó là những khoảnh khắc sum họp, là nơi để thể hiện sự tôn trọng, yêu thương nhau của các thành viên trong gia đình.
Tất cả vừa cùng nhau ăn, vừa cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một năm đã qua, những niềm vui và cả nỗi buồn, nhớ về người thân đã mất hoặc đang ở xa quê chưa về. Đêm giao thừa của cái Tết Việt Nam mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là ý thức về nguồn. Chẳng có gia đình nào lại không có một bàn thờ gia tiên, người đang ở xa cũng ngóng về quê hương xứ sở.
Bữa cơm tất niên gia đình ấm áp yêu thương là thông điệp gửi đến tất cả các thành viên trong gia đình hãy trân trọng hơn nữa những phút giây quây quần, hạnh phúc bên nhau.