Đầu tháng 3, YouTube thông báo chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung với Spring Me Pte. Ltd. – một doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Lan do Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã YEG) sở hữu gián tiếp 16,93% cổ phần. Lý do là vì có hoạt động tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình của YouTube. Hai đơn vị liên quan đến công ty này là Yeah1 Network và ScaleLab cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Đến thời điểm này, thực tế mảng YouTube Adsense chiếm bao nhiêu tỷ trọng doanh thu lợi nhuận của YEG chỉ có người trong cuộc mới nắm rõ. Hiện ban lãnh đạo công ty đang nỗ lực có nhiều động thái trấn an nhà đầu tư như công bố mảng kinh doanh YouTube AdSense chỉ đóng góp khoảng 1 triệu USD cho tập đoàn, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế; đẩy mạnh mảng khác để bù đắp thiếu hụt, mua cổ phiếu quỹ.
Cụ thể, sau sự cố vận hành YouTube, ban lãnh đạo Yeah1 cho biết sẽ thúc đẩy các mảng khác để bù đắp thiếu hụt và đảm bảo chiến lược phát triển chung. Kế hoạch chi tiết chưa được tiết lộ nên lộ trình tăng trưởng 24 - 25% doanh thu từ YouTube trong hai năm tới và 14 - 15% vào hai năm tiếp theo, lên 1.100 tỷ đồng vào năm 2022 vẫn còn là dấu hỏi lớn về tính khả thi.
Cùng thời điểm, YEG vừa thông báo đăng ký mua vào 600.000 cổ phiếu quỹ, thời gian thực hiện ngay sau khi được UBCKNN chấp thuận và theo quy định của pháp luật hiện hành. Giá thực hiện theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch.
Trước đó, Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và Phó Tổng giám đốc Tài chính Võ Thái Phong đã đăng ký mua tổng cộng 150.000 cổ phiếu.
Tuy nhiên, YEG đã mất 30% giá trị trong tuần qua khi giảm từ 245.000 xuống còn 170.600 đồng vào ngày 8/3. Lượng dư bán sàn vẫn còn rất lớn khi đóng cửa phiên cuối tuần. Theo giới chuyên gia, nếu chưa có những thông tin thực sự tích cực thì đà giảm của cổ phiếu sẽ khó có thể kết thúc và khả năng giá cổ phiếu YEG mất tương đương với đà dự báo hụt lợi nhuận của doanh nghiệp này là hoàn toàn có thể xảy ra.
Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa đưa ra một số nhận định trong kịch bản xấu nhất là đàm phán thất bại thì Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sẽ không còn là đối tác đa kênh của Youtube. Điều này khiến Yeah1 không còn ghi nhận doanh thu từ quản lý kênh của bên thứ ba, trích lập dự phòng và hạch toán lỗ 12 triệu USD cho khoản đầu tư vào ScaleLab - một công ty tại Mỹ chuyên về tối ưu hóa nội dung và tối đa hóa người xem trên YouTube.
Đây là số tiền Yeah1 đã thanh toán tiền mua cổ phần vào đầu năm. Báo cáo cập nhật lần này không đề cập đến việc Yeah1 phải xử lý thế nào với khoản tiền 8 triệu USD còn lại của thương vụ này nếu ScaleLab đạt chỉ tiêu kinh doanh như thỏa thuận.
Trước đó, việc hợp nhất ScaleLab giúp Yeah1 trở thành một trong ba đối tác đa kênh (MCN) lớn nhất toàn cầu với hơn 3.000 kênh và 6,9 tỷ lượt xem mỗi tháng. Yeah1 kỳ vọng sử dụng ScaleLab như bàn đạp khai phá thị trường quốc tế và tối ưu hóa chi phí bằng việc mang các đầu việc quản lý và sáng tạo nội dung về những quốc gia có chi phí thấp như Việt Nam,
Dự kiến, lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Group có thể giảm 83,3% so với dự báo trước đó. Trường hợp này xảy ra nếu công ty không đạt được thỏa thuận với YouTube và phải trích lập hết, đồng thời xóa khoản đầu tư 12 triệu USD vào ScaleLab trong năm nay.
Đại diện truyền thông của Yeah1 cho biết tạm thời chưa ước tính được thiệt hại từ sự cố vận hành YouTube. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này đang tập trung đàm phán với Youtube và bước đầu có những tín hiệu tích cực. Kết quả làm việc chính thức dự kiến cập nhật trước ngày 11/3.
Yeah1 bắt đầu cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo thông qua việc trở thành đối tác đa kênh (Multi Channel Network – MCN) của YouTube từ năm 2015. Vai trò của công ty, có thể hiểu đơn giản, là trung gian kết nối người sáng tạo nội dung video và YouTube.
Thực tế chủ sở hữu các kênh có thể làm việc trực tiếp với YouTube để kiếm tiền, nhưng xu hướng hiện nay là hợp tác với các MCN để hưởng nhiều quyền lợi hơn như được bảo vệ bản quyền, hỗ trợ đóng thuế thu nhập cá nhân, tận dụng nội dung có bản quyền để phát triển sản phẩm mới, tối ưu hoá không gian quảng cáo...
Các nhãn hàng sẽ trực tiếp trả tiền cho YouTube để phân phối quảng cáo đến người xem. Tỷ lệ ăn chia của YouTube và Yeah1 Network là 45 - 55. Công ty giữ từ 5% đến 30% phần doanh thu nhận được, còn lại thanh toán cho chủ sở hữu các kênh.
Khi Yeah1 không đạt được một giải pháp với YouTube, thì Yeah1 Network, Scalelab và Springme sẽ không còn là các nhà mạng MCN của YouTube và sẽ không được tiếp tục quản lý kênh của bên thứ ba. Tác động đến kết quả kinh doanh trong trường hợp này sẽ là: Không còn doanh thu từ quản lý kênh của bên thứ ba; không còn doanh thu từ ScaleLab do hầu hết doanh thu của ScaleLab là từ quản lý kênh của bên thứ ba; YEG phải trích lập hết và xóa khoản đầu tư vào ScaleLab, đồng thời hạch toán lỗ 12 triệu USD.
Trong tình huống xấu nhất, Yeah1 có thể mất đi phần lớn lợi nhuận của năm nay khi phải trích lập dự phòng cho toàn bộ khoản đầu tư vào ScaleLab.
Vy Thương